| Hầu hết nguồn cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là nước ngầm. |
Đa số các đô thị khai thác nguồn nước ngầm với công suất nhỏ (từ 5.000 - 15.000 m3/ngày đến từ 20.000- 40.000 m3/ngày). Riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, có tổng công suất khai thác lớn hơn (Hà Nội là khoảng 1,3 triệu m3/ngày, TP. Hồ Chí Minh khoảng 600 ngàn m3/ngày). Các vùng hiện đang khai thác nước ngầm nhiều nhất là Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, đây là các vùng tập trung dân cư và kinh tế phát triển nhất trên toàn quốc. Khoảng 62% người dân nông thôn được cấp nước sạch, hầu hết nguồn cấp nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là nước ngầm. Điều tra của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia cho thấy, tổng tài nguyên dự báo nước ngầm của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm (250,7 triệu m3/ngày), trong đó nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm (189,3 triệu m3/ngày). Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm (9,9 triệu m3/ngày), còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm (61,2 triệu m3/ngày). Với nguồn nước phong phú như vậy, tỉ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn, đơn cử như đã có 57% các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh sử dụng nước ngầm. Các tỉnh, thành phố đang khai thác chủ yếu nước ngầm là: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhìn vào các số liệu nói trên, có thể thấy nước ngầm đang đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. |