(CMO) Một năm trôi qua, những đứa con xa quê lại nôn nao được về nơi chôn nhau cắt rốn để đoàn viên cùng gia đình. Riêng ở những nơi đặc biệt, Tết cũng đến theo một cách riêng của nó. Tuy không nhộn nhịp, sôi động nhưng đầy ắp tình yêu thương, san sẻ.Anh Mai Văn Tiện, Phó Phòng Chăm sóc sức khoẻ Trung tâm Nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh) tâm tình, mỗi dịp Tết đến xuân về, những người làm công tác đặc biệt như anh chỉ mong bệnh nhân của mình thật khoẻ mạnh, được đón cái Tết ấm áp. Năm nào cũng vậy, ngày Tết anh em ở trung tâm đều phải chia ca trực 24/24.
Trong 268 bệnh nhân chỉ có hơn chục trường hợp được gia đình đưa về nhà ăn Tết. Từ khi vào trung tâm đến nay đã 14 năm, cũng ngần ấy thời gian anh Tiện đón Tết cùng bệnh nhân. Do tình trạng sức khoẻ diễn biến bất thường nên có năm cả chục bệnh nhân phải nằm viện, vậy là các anh em cán bộ lại thay phiên nhau ăn Tết tại... bệnh viện. Kể về những cái Tết đặc biệt, anh Tiện cười tươi khi nhìn vào những ánh mắt ngơ ngác: “Với chúng tôi, bệnh nhân khoẻ mạnh, vui vẻ là món quà Tết ý nghĩa nhất. Điều đặc biệt là bệnh nhân ở đây đều là những người thiếu thốn tình cảm, vì vậy, ngày Tết là lúc họ mong chờ được sum họp gia đình. Do không thể tổ chức cho bệnh nhân tham gia các hoạt động như gói bánh, làm mứt, chúng tôi chỉ có thể ở bên cạnh họ an ủi, động viên, nấu những bữa ăn thật ngon để họ tận hưởng hương vị ngày Tết”.
Ngồi nắn nót từng nét chữ trên trang giấy trắng, cô giáo Diệu Hiền, một bệnh nhân khoẻ nhất ở trung tâm, chia sẻ: “Hơn 10 năm nay tôi đều đón Tết ở đây vì gia đình không ai đón về. Tết đến, tôi được trung tâm cho bánh mứt, được mọi người nấu nhiều món ngon. Đối với tôi, nơi đây đã là một gia đình, tôi được chăm sóc và dần khoẻ mạnh từng ngày”. Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau (ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau), cũng giống như ở Trung tâm Nuôi dưỡng các bệnh nhân tâm thần, ngày Tết, các cán bộ phải chia nhau trực 24/24.
Anh Phạm Hoàng My (34 tuổi), nhóm trưởng nhóm lớn của Phòng Nuôi dưỡng và giáo dục định hướng, là một người khá đặc biệt ở trung tâm. Anh từng là trẻ mồ côi, năm 14 tuổi được gửi vào trung tâm để các mẹ chăm sóc. Tuổi thơ gắn bó với trung tâm, sau thời gian học tập, anh bỏ công việc với mức lương cao để về cùng các mẹ chăm sóc, nuôi dạy các em. Hoàng My giờ đã trưởng thành và là tấm gương để các em noi theo. Ký ức về những cái Tết của Hoàng My chính là được các mẹ cho mặc quần áo mới, được ăn nhiều món ngon, được các mẹ lì xì rồi cho đi chơi. “Chúng tôi lớn lên trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của các mẹ. Mấy năm rồi, cứ mỗi dịp Tết đến, chúng tôi lấy ngày mùng 6 làm ngày truyền thống về thăm mái nhà chung, thăm các mẹ, các em”, Hoàng My kể với giọng đầy biết ơn. Cô Trần Thị Út, Trưởng Phòng Nuôi dưỡng và giáo dục định hướng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội, bộc bạch: “Ngày Tết các mẹ ở đây cũng vất vả, vừa lo chuẩn bị Tết cho gia đình, vừa lo cho các con tại trung tâm. Để các con có cái Tết đong đầy, không tủi thân với bạn bè cùng trang lứa, chúng tôi phải chuẩn bị các hoạt động vui chơi, cùng các con ca hát, cùng các con ăn bữa cơm gia đình. Thấy các con hồn nhiên vui cười, chỉ mong vòng tay yêu thương của chúng tôi sẽ giúp các con vơi đi phần nào bất hạnh". Ngoài kia, những cánh mai vàng hé nở, cây non đang đâm chồi nẩy lộc… Một mùa xuân đặc biệt đang về trong những mái nhà chung./.
Kim Chi |