Sửa chữa điện mùa nắng nóng |
Nguồn cung điện gặp khó khăn
Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4, sản lượng điện thương phẩm toàn tập đoàn đạt 17,126 tỷ kWh, giảm 3,84% so tháng 4/2019. Lũy kế 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 66,37 tỷ kWh, tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù tăng không cao, song nguồn cung điện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn điện giá rẻ từ thủy điện. Lưu lượng nước về các hồ thủy điện trong tháng 4/2020 vẫn ở mức thấp (trừ một số hồ thủy điện miền Bắc, miền Trung, lượng nước về cuối tháng 4 có phần được cải thiện). Tổng sản lượng thủy điện theo nước về tháng 4 tương ứng 1,5 tỷ kWh điện, thấp hơn 477 triệu kWh so với kế hoạch. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng lượng nước về đạt 6,61 tỷ kWh, thấp hơn khoảng 3 tỷ kWh so với kế hoạch.
Trong tháng 4/2020, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 18,54 tỷ kWh, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng huy động từ thủy điện giảm 36,5%; tua bin khí giảm 16,59%, điện nhập khẩu giảm 11,21%. Trong khi đó, nguồn điện huy động từ nhiệt điện than tăng 17,56%; nhiệt điện dầu tăng gần 1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) được huy động tối đa, ở mức 3,69 tỷ kWh. Riêng điện mặt trời đạt 3,13 tỷ kWh, gấp 19,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Việc huy động tăng các nguồn điện sẽ gây áp lực lên công tác vận hành, giá điện và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Cần sử dụng điện tiết kiệm
Thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn trung ương cho biết, hiện nay, đang xảy ra nắng nóng diện rộng ở khu vực Bắc bộ và các tỉnh Trung bộ với nền nhiệt độ cao nhất ngày ở Bắc bộ phổ biến 35 - 38oC, có nơi trên 39oC; ở các tỉnh Trung bộ, phổ biến 36 - 39oC, có nơi trên 39oC. Thời gian có nhiệt độ trên 35oC từ 10 - 17 giờ. Khu vực Hà Nội ban ngày có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38 - 40oC.
Theo thống kê của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia, thời tiết nắng nóng gay gắt xảy ra diện rộng ở khu vực Bắc bộ và các tỉnh Trung bộ dẫn tới mức độ tiêu thụ điện gia tăng đáng kể, sản lượng cả hệ thống ngày 20/5/2020 đã đạt 750,4 triệu kWh, công suất đỉnh 35.300MW. Chỉ tính riêng tại miền Bắc, sản lượng điện đạt 320 triệu kWh, công suất đỉnh 15.400MW và sản lượng của TP. Hà Nội đạt 75,8 triệu kWh, công suất đỉnh 3.780MW.
Đại diện EVN cho biết, nắng nóng kéo dài dẫn tới nguy cơ tiềm ẩn xảy ra sự cố lưới điện do nhiều thiết bị điện ở ngoài trời đã phải chịu đựng môi trường nhiệt độ cao dài ngày, ngay cả ban đêm cũng rất oi bức. Đối với các hộ gia đình, nắng nóng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Điều này dẫn tới những nguy cơ gây quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Theo các chuyên gia, nắng nóng tăng cao cũng làm nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát tăng rất cao, trong đó, điện năng tiêu thụ của điều hòa nhiệt độ có thể chiếm tới 60 - 65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ trong gia đình. Vì vậy, nên đặt điều hòa ở mức 26 - 27 độ trở lên và kết hợp với quạt, vừa đảm bảo đủ mát, vừa giảm đáng kể điện năng tiêu thụ.
Với tình hình thời tiết nắng nóng còn tiếp diễn trong mùa hè, EVN khuyến cáo các cơ quan, công sở, nơi sản xuất và người dân cần tiếp tục chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn tránh quá tải để tiết kiệm điện, hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến. |