NBS cho biết CPI - thước đo lạm phát bán lẻ chủ chốt - của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 3,8% của tháng 10 và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 1/2012.
Lạm phát tăng chủ yếu do giá thực phẩm tăng kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát hồi tháng 8/2018 dẫn tới khủng hoảng nguồn cung thịt lợn ở Trung Quốc. Theo NBS, giá thực phẩm ở Trung Quốc trong tháng 11 tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018, cao hơn mức tăng 15,5% của tháng 10. Trong khi đó, giá các mặt hàng không phải thực phẩm tăng 1%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng 10.
So với cùng kỳ năm 2018, giá thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 11 tăng 110,2%, trong khi giá rau củ tăng 3,9%. Chỉ số CPI ở các khu vực đô thị và nông thôn tăng lần lượt 4,2% và 5,5%. Trong 11 tháng đầu năm 2019, chỉ số giá tiêu dùng ở Trung Quốc tăng trung bình 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ước tính hơn 1 triệu con lợn đã bị tiêu hủy tại Trung Quốc kể từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát vào tháng 8/2018. Theo đó, giá các loại thịt khác như thịt bò, thịt gà, vịt và trứng cũng tăng do người tiêu dùng chuyển sang các nguồn cung cấp protein khác.
Tháng trước, nhà chức trách Trung Quốc đã phát động kế hoạch đến năm 2021 khôi phục sản xuất thịt lợn trở về mức trước khi bùng phát dịch.
Theo TTXVN