Các công ty khởi nghiệp trong khu vực châu Á đang chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong nguồn vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu. Ảnh: TL |
Cho vay trực tuyến ở Đông Nam Á dự kiến đạt 116 tỷ USD
Theo trang Nikkei Asia, dịch vụ mua trước - trả sau và các ngân hàng kỹ thuật số đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách cho vay lớn trong khu vực, khi việc áp dụng rộng rãi điện thoại thông minh và sử dụng nền tảng thương mại điện tử cho phép fintech thu thập dữ liệu khách hàng và sàng lọc ngay cả những người có ít hoặc không có lịch sử tín dụng.
Dịch vụ cho vay đang trở thành dịch vụ hàng đầu trong lĩnh vực tài chính, với ngày càng nhiều công ty thâm nhập vào lĩnh vực ngân hàng trong năm nay thông qua việc mua lại những đơn vị cho vay truyền thống hoặc mua cổ phần từ họ.
Tại Indonesia - nơi chỉ có khoảng 5% người dân có thẻ tín dụng, một ứng dụng có tên Akulaku rất phổ biến. Ứng dụng này đang cho phép thanh toán trả góp lên tới 12 tháng. Đặc biệt, các khoản vay có thời hạn 1 tháng sẽ được hưởng lãi suất vay 0%. Ra mắt vào năm 2016, Akulaku đang có hơn 60% trong số 5 đến 7 triệu người dùng hoạt động hàng tháng là thế hệ Millennials (thế hệ sinh ra từ đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990 - đầu thập niên 2000).
Không sử dụng thông tin nhận dạng cá nhân, Akulaku đã xây dựng mô hình chấm điểm tín dụng bằng cách hợp tác với các trang thương mại điện tử và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông để đánh giá mức độ tín nhiệm của người vay tiềm năng dựa trên thói quen chi tiêu của họ. Ứng dụng đặt ra hạn mức tín dụng cho từng khách hàng, tùy thuộc vào thu nhập và lịch sử thanh toán, giúp họ không bị chi tiêu quá mức.
Bà Efrinal Sinaga - Chủ tịch Akulaku Finance cho biết, phục vụ khách hàng kỹ thuật số là rất quan trọng đối với lĩnh vực tài chính nhằm mở rộng cơ sở khách hàng của công ty ở Indonesia xa xôi, nơi có khoảng 17.000 hòn đảo. Tập đoàn này cũng hoạt động tại Philippines và Malaysia, đặt mục tiêu phục vụ 50 triệu khách hàng trên toàn khu vực vào năm 2025.
Một nghiên cứu của Trung tâm Thực hành và đầu tư tác động (CIIP) đã chỉ ra rằng, 63% người dùng fintech là khách hàng lần đầu và 57% cho biết không muốn truy cập vào các lựa chọn thay thế. Theo một báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co năm 2022, một số ngân hàng lớn nhất châu Á hiện đang phát triển lĩnh vực cho vay trực tuyến ở Đông Nam Á, dự kiến sẽ đạt 116 tỷ USD vào năm 2025, tăng gần gấp ba lần so với năm 2021.
Năm ngoái, Ngân hàng thương mại Siam của Thái Lan đã đầu tư 100 triệu USD vào Akulaku trong khi ngân hàng cho vay lớn nhất Nhật Bản là MUFG Bank cũng đầu tư 200 triệu USD và nắm giữ khoảng 10% cổ phần trong công ty cho vay trực tuyến Indonesia.
Việt Nam là thị trường hứa hẹn cho ngân hàng bán lẻ
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường fintech mới nổi có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục. Quốc gia ngày càng kết nối nhiều hơn nhờ chuyển đổi số, tạo tiền đề phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính. Với sự xuất hiện của thanh toán kỹ thuật số, tiền điện tử… fintech Việt Nam được dự đoán sẽ định hình lại ngành tài chính trong tương lai gần. Một số xu hướng fintech hàng đầu tại Việt Nam trong 2023 bao gồm: thanh toán di động, ngân hàng số, tiền điện tử, chuỗi khối và trí tuệ nhân tạo.
Chính phủ Việt Nam đã và đang đưa ra các chính sách khuyến khích áp dụng thanh toán di động và các hình thức fintech khác, chẳng hạn như ưu đãi thuế, trợ cấp và các hình thức hỗ trợ tài chính khác.
Ông Kazutoshi Isogai - Giám đốc ngân hàng kinh doanh và bán lẻ của Mizuho, cho biết: "Việt Nam, Philippines và Indonesia là một số thị trường hứa hẹn nhất cho ngân hàng bán lẻ".
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Thụy Sỹ đã rót 5 triệu USD phát triển các fintech tài chính, hỗ trợ phát triển ngân hàng số tại Việt Nam thông qua hỗ trợ kỹ thuật. Công nghệ tài chính là trung tâm trong các kế hoạch của Chính phủ Việt Nam nhằm mở rộng các dịch vụ tài chính tới người tiêu dùng và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hỗ trợ kỹ thuật này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường khung pháp lý cho tài chính kỹ thuật số, xây dựng năng lực của Chính phủ và các bên liên quan và hỗ trợ các tổ chức tài chính phát triển ngân hàng số.
Theo ông Shantanu Chakraborty - Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, tại Việt Nam, fintech là chìa khóa để thúc đẩy các giải pháp và dịch vụ tài chính thuận tiện và đổi mới nhằm tiếp cận các phân khúc khách hàng chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận dịch vụ ngân hàng chưa đầy đủ, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời nâng cao hiệu quả và an ninh tài chính./.