Những năm gần đây,ệuứngcơgiớbóng đá lịch thi đấu c2 ngoài việc đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất nông nghiệp, ngành chuyên môn Hậu Giang đã tích cực đưa cơ giới hóa xuống ruộng nhằm góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác lúa. Trình diễn máy cấy trên cánh đồng lúa ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A. Qua hơn 13 năm chia tách, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã khẳng định vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế tỉnh nhà. Đó là nhờ tỉnh tích cực triển khai các chương trình, đề án canh tác hiệu quả, nổi bật là đề án cơ giới hóa, góp phần quan trọng trong việc tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất lúa, phục vụ đắc lực cho mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hậu Giang. Hiện giá thành sản xuất lúa của tỉnh đã giảm khoảng 1.300 đồng/kg so với thời điểm hơn 3 năm trước và đang dưới mức 3.000 đồng/kg. Nâng cao lợi nhuận Anh Trang Văn Trường, ở ấp 7, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho biết trước đây người dân địa phương làm ruộng theo thói quen nên chủ yếu lấy số lượng cây lúa trên đồng để quy đổi ra năng suất. Tức không quan tâm đến chuyện cây lúa nở bụi, đẻ nhánh nhiều, chỉ cần cho ra bông, nhiều hạt là được. Ngoài ra, sau khi thu hoạch xong, người dân tất bật chuẩn bị gieo sạ vụ lúa tiếp theo nên đôi khi khâu cải tạo đất còn ít chú trọng. Thậm chí dùng lúa hàng hóa để gieo sạ với mật độ dày, ước khoảng 20-30kg/công, từ đó bà con phải sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học để quản lý, chăm sóc đồng ruộng, làm cho chi phí sản xuất tăng cao, nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Anh Trường cho biết thêm: “Vụ lúa Đông xuân 2016-2017 vừa qua, tôi đã mạnh dạn liên kết với Công ty Giống cây trồng Miền Nam làm thử nghiệm 5 công ruộng, với giống OM 5451, kết hợp thuê máy cấy lúa nên góp phần giúp cho chi phí sản xuất giảm xuống dưới 1 triệu đồng/công, còn sản lượng đạt 950kg lúa tươi/công, bán với giá 6.000 đồng/kg, tính ra lợi nhuận trên 3 triệu đồng/công. Trong khi đó, các hộ dân ở địa phương không liên kết, gieo sạ đại trà, bị sâu bệnh gây hại nặng, chi phí phân thuốc nhiều mà năng suất thấp hơn cả trăm ký lúa tươi mỗi công, từ đó lợi nhuận thu về chừng 2 triệu đồng/công”. Đáng nói là, nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của đề án cơ giới hóa trong giai đoạn 2012-2015, ngay trong quý I/2017 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang (Sở NN&PTNT tỉnh) đã phối hợp với các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh tổ chức nhiều buổi hội thảo và trình diễn máy cấy lúa, máy xới đất cải tiến, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cơ giới hóa trên đồng ruộng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các loại máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp hiện đại, thích ứng với điều kiện thời tiết bất lợi gây ra. Tiếp tục nhân rộng Trực tiếp tham dự buổi trình diễn máy cấy lúa gần đây tại địa phương, ông Nguyễn Văn Sơn, ở ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, bày tỏ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia buổi trình diễn máy cấy như thế này. Nếu như máy gặt đập liên hợp giúp người dân giải quyết vấn nạn lúa nằm đồng, thì máy cấy lúa giúp tiết giảm chi phí, hạn chế rủi ro ngay từ đầu vụ sản xuất. Thú thật, nhà nông chúng tôi đang rất cần những thiết bị hiện đại như vầy, vì giúp tiết kiệm giống, hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất canh tác. Do đó, nếu có điều kiện, tôi sẵn sàng thuê máy cấy phục vụ cho 5 công ruộng nhà mình”. Còn ông Trương Thành Huy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Vị Thanh 2, ở ấp 7A2, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Chỉ cần nghĩ đến số lượng giống gieo sạ 5kg/công và công suất hoạt động 4-5ha/ngày là tôi cảm thấy thích thú rồi. Vì vậy, dưới góc độ người đứng đầu HTX, tôi rất mong muốn mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, trong đó việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp sản xuất ra giống lúa đạt chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu sản xuất của người dân. Cho nên, khi huy động được khoản chi phí lớn, tôi dự định mua máy cấy về làm thêm dịch vụ, kết hợp cung ứng vật tư nông nghiệp, để tăng nguồn thu cho HTX”. Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, nhìn nhận: Thời gian qua, Hậu Giang đã và đang khẳng định vị trí quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, góp phần vào việc xuất khẩu lúa gạo cho cả nước nói chung. Nhất là khi tỉnh đã hình thành nhiều mô hình cánh đồng lớn, sản xuất theo tiêu chí gắn kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, bên cạnh việc đồng hành, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm thì đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện các buổi trình diễn máy xới đất cải tiến, máy cấy lúa thế hệ mới, nhằm góp phần thay đổi tập quán canh tác cho người dân. “Chúng tôi luôn mong muốn giúp cho người dân địa phương lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp để có thể sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, cải thiện kinh tế gia đình. Đồng thời, hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học để bảo vệ sức khỏe của người lao động, tránh gây ô nhiễm môi trường sinh thái tự nhiên, góp phần phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà”, ông Đời khẳng định. Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, thực hiện Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa giai đoạn 2012-2015, tỉnh đã hỗ trợ người dân mua 99 máy gặt đập liên hợp (GĐLH), góp phần nâng tổng số máy GĐLH trên toàn tỉnh lên 322 máy, khả năng đảm bảo thu hoạch lúa bằng máy khoảng 80% diện tích trồng lúa của tỉnh. Điều quan trọng là đề án được người dân đồng thuận cao, tích cực tham gia thực hiện. Bởi lợi nhuận tính trên 1ha đất sản xuất lúa khi thu hoạch bằng máy GĐLH so với thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng, nhờ tiết giảm 19% chi phí sản xuất; giúp người dân Hậu Giang giảm được 3% lượng lúa thất thoát trong 1 năm, ước tổng sản lượng tương đương khoảng 35.540 tấn. |
Bài, ảnh: CHÍ CÔNG |