Doanh nghiệp, cá nhân có thêm nhiều lựa chọn phương thức nộp thuế. Ảnh: Tuấn Nguyễn Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Các chuyên gia cho rằng, thông tư đã bám sát các nội dung quy định của Luật Quản lý thuế, giải quyết những bất cập, tồn tại trong việc cung cấp các căn cứ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành để mở rộng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế; đặc biệt là thúc đẩy cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Người nộp thuế có nhiều quyền và phương thức giao dịch
Sau một thời gian lấy ý kiến hoàn thiện, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 19/2021/TT-BTC hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Thông tư gồm 5 chương, 49 điều; có hiệu lực kể từ ngày 3/5/2021. Theo đó, thông tư hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38 liên quan đến hồ sơ, thủ tục về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế từ khâu: đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; xác nhận thông tin thực hiện nghĩa vụ thuế; bù trừ tiền thuế, tiền phạt; hoàn thuế; miễn, giảm thuế; khoanh, xóa nợ tiền thuế…
Đánh giá về những điểm nổi bật của thông tư, bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, thông tư đã bám sát các nội dung quy định của Luật Quản lý thuế số 38, đảm bảo vừa đơn giản, dễ hiểu, vừa phù hợp với pháp luật có liên quan. Thông tư cũng đã kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định và không có vướng mắc tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC; Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Đáng chú ý hơn, thông tư quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng trách nhiệm của người nộp thuế (NNT) cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. NNT được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày tết.
NNT thực hiện giao dịch thuế điện tử phải có khả năng truy cập và sử dụng Internet, có địa chỉ thư điện tử, có chữ ký số hoặc có số điện thoại di động được một công ty viễn thông ở Việt Nam cấp đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế, trừ trường hợp NNT lựa chọn phương thức nộp thuế điện tử, theo quy định của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Đồng thời, NNT cũng có thể lựa chọn nhiều phương thức giao dịch như: trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác đã được kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Song song với đó, các tổ chức cung cấp dịch vụ T-VAN cũng được Tổng cục Thuế chấp nhận kết nối với Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện nộp thuế điện tử.
Riêng hồ sơ khai thuế, NNT được lựa chọn thêm phương thức lập hồ sơ khai thuế bằng phần mềm, công cụ hỗ trợ kê khai do cơ quan thuế cung cấp, hoặc của NNT đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu của cơ quan thuế, sau đó truy cập vào cổng thông tin điện tử mà NNT lựa chọn, ký điện tử và gửi hồ sơ khai thuế điện tử đến cơ quan thuế. Trường hợp nộp hồ sơ khai thuế bao gồm cả tài liệu theo quy định của pháp luật mà NNT không gửi được theo phương thức điện tử thì NNT gửi trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc qua đường bưu chính.
Khi NNT, cơ quan thuế, các tổ chức cá nhân khác có liên quan, đã hoàn thành việc thực hiện giao dịch thuế điện tử theo quy đinh tại Thông tư 19 thì không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Quy định rõ trách nhiệm cơ quan nhà nước có liên quan
Ngoài việc quy định cụ thể, chi tiết, rõ ràng trách nhiệm của NNT, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phối hợp quản lý giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Cụ thể, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các cơ quan nhà nước khác khi thực hiện giao dịch điện tử theo quy định tại thông tư này phải sử dụng chữ ký số được ký bằng chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp, hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.
Đối với trách nhiệm của ngân hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế cũng như trách nhiệm của cơ quan thuế, thông tư bổ sung trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, ngoài việc phải thực hiện trách nhiệm theo quy định của Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn liên quan, các đơn vị có trách nhiệm trao đổi, truyền, nhận thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác theo quy định tại nghị định hướng dẫn Luật Quản lý thuế số 38; khai thác và bảo mật thông tin của NNT do cơ quan thuế cung cấp bằng phương thức điện tử để sử dụng cho việc quản lý nhà nước, phối hợp thu ngân sách nhà nước.
Đồng thời, thông tư quy định cụ thể trách nhiệm trong việc trao đổi, cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế với kho bạc nhà nước, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để đảm bảo xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, kết nối, trao đổi thông tin giữa Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế với cổng thông tin của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với pháp luật có liên quan Thông tư số 19/2021/TT-BTC đã bám sát các nội dung quy định của Luật Quản lý thuế số 38, đảm bảo vừa đơn giản, dễ hiểu, vừa phù hợp với pháp luật có liên quan. Thông tư cũng đã kế thừa các quy định đang thực hiện ổn định và không có vướng mắc tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC; Thông tư số 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 110/2015/TT-BTC về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. |
Văn Tuấn |