【kết quả bóng đá psv】Bác sĩ Trần Duy Hưng: Một trí thức hết lòng vì đất nước
Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912, tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm; quê nội tại thôn Hoè Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình trung lưu. Ông học cùng thời với các bác sĩ: Tôn Thất Tùng, Ðặng Văn Ngữ…
Bác sĩ Trần Duy Hưng sinh ngày 16/1/1912, tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm; quê nội tại thôn Hoè Thị, xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình trung lưu. Ông học cùng thời với các bác sĩ: Tôn Thất Tùng, Ðặng Văn Ngữ…
30 tuổi, được người em gái - bà Trần Thế Mỹ - trợ giúp, Bác sĩ Trần Duy Hưng mở một bệnh viện ở phố Thợ Nhuộm, Hà Nội. Lúc bấy giờ, ông đã nổi tiếng là một bác sĩ đa khoa giỏi và càng nổi tiếng hơn vì đã chữa bệnh cho người nghèo không lấy tiền.
Trước ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, bệnh viện của ông là cơ sở bí mật của cách mạng. Khi ấy, ông tham gia tích cực các phong trào xã hội và có uy tín lớn trong giới thanh niên, nhân sĩ, trí thức thời đó.
Bác sĩ Trần Duy Hưng (người đứng trên xe) vẫy chào Nhân dân trong ngày giải phóng thủ đô 10/10/1954. Ảnh tư liệu |
Khoảng một tuần sau ngày đọc Tuyên ngôn Ðộc Lập 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhà riêng Bác sĩ Trần Duy Hưng và đề nghị ông làm Thị trưởng Hà Nội. Trước vinh dự và trọng trách lớn lao đó, ông xúc động cảm ơn Hồ Chủ tịch nhưng đề nghị Bác chọn người khác xứng đáng hơn với lý do mình chỉ biết khám, chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần động viên: "Ðiều quan trọng là chú có lòng yêu nước, có các đoàn thể và đồng chí giúp đỡ, lo gì không hoàn thành nhiệm vụ".
Tháng 10/1945, ông gia nhập Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Bác sĩ Trần Duy Hưng được cử làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Hà Nội, cùng với tập thể Thành uỷ, Uỷ ban Hành chánh tập hợp được các tầng lớp Nhân dân dưới ngọn cờ của chính quyền cách mạng tiến hành cuộc chiến chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm thời đó.
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, ông theo Chính phủ lên Chiến khu Việt Bắc, được cử làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ (tháng 4/1947 đến 1954) và tháng 6/1954 làm Thứ trưởng Bộ Y tế.
Hoà bình được lập lại, ngày 10/10/1954, ông dẫn đầu đại quân tiến vào tiếp quản thủ đô, với tư cách là Phó Chủ tịch Quân chính Hà Nội. Sau đó, ông được Ðảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa, cử làm Chủ tịch Uỷ ban Hành chánh (sau này là UBND) TP Hà Nội. Ông đảm nhiệm trọng trách này liên tục 23 năm cho đến khi về hưu vào năm 1977. Ông còn là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ khoá 1 đến khoá 6. Là một trí thức cách mạng, một người mẫu mực, đức độ, nhân ái, suốt đời sống vì mọi người, ông đã có nhiều cống hiến cho sự phồn vinh của thủ đô, đất nước và đã để lại nhiều dấu ấn khó quên.
Ông vinh dự và may mắn được nhiều năm làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông là người có tác phong gần gũi với dân, thương yêu dân và luôn được dân tin yêu.
Những ngày thủ đô mới giải phóng, công việc rất bộn bề, ông luôn sâu sát cơ sở từ các nhà máy, các công trường… đến các trường học, các đơn vị quân đội. Nhiều đêm, một mình ông đi kiểm tra các điểm canh đê, đề phòng nước lũ lên. Là người đi đầu trong các phong trào, ông đã có công dẫn dắt thành phố đạt năng suất lúa cao nhất miền Bắc.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông luôn luôn có mặt, trực tiếp động viên hàng ngàn con em Hà Nội lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Tháng 12/1972, máy bay B52 của đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt Hà Nội. Nhiều trường học, bệnh viện, khu đông đúc dân cư bị bom Mỹ huỷ diệt. Ông xuống tận các khu phố bị bom Mỹ tàn phá như Khâm Thiên, An Dương, Bạch Mai ngay cả trong 12 ngày đêm của trận Ðiện Biên Phủ trên không lịch sử, thăm hỏi Nhân dân, tham gia dập lửa cùng các chiến sĩ tự vệ, các đội chữa cháy, băng bó người bị thương, chôn cất những người đã hy sinh. Trong những năm tháng đó, hình ảnh ông gắn liền với biết bao sự kiện của thủ đô.
Ngoài khối lượng công việc to lớn của người đứng đầu thủ đô, ông còn dành nhiều thời gian tiếp dân, trong giờ hành chánh tại công sở; những buổi tối, ngày nghỉ, ông tiếp dân bất cứ lúc nào ngay tại nhà riêng của mình, nghe từng vụ việc cụ thể và sau đó, giải quyết luôn cho dân.
Ông tự soạn thảo các bài diễn văn, các báo cáo, các thư từ, điện tín… mà không yêu cầu thư ký. Trong thời gian làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội, có tầm nhìn xa trông rộng, ông ôm ấp ý tưởng biến sông Hồng trở thành một thực thể của Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Ông có thói quen, cứ chiều 30 Tết, chuẩn bị một túi quà, đợi người công nhân quét rác cuối cùng đến làm nhiệm vụ thì tặng túi quà đó.
Một hôm, có bà cụ ở Sóc Sơn ra Hà Nội, đến vườn hoa cạnh hồ Hoàn Kiếm, không may bị rơi mất hành lý, tiền bạc. Khi bà cụ đang trình báo với công an thì Bác sĩ Trần Duy Hưng đi qua. Ông dừng xe, lắng nghe và biếu bà cụ ít tiền, rồi bảo anh công an lái xe đưa bà cụ đến bến xe khách lên đường về quê. Về đến nhà, bà cụ dặn con cháu: "Ông chủ tịch thành phố là người tốt, khi nào ông mất, các con phải thay mẹ đến thắp nén hương và lạy tạ vong linh ông".
Ngày 2/10/1988, ông qua đời trong niềm tiếc thương của Nhân dân và bạn bè quốc tế; người con trai của bà cụ nói trên nhớ lời mẹ dặn, ra Hà Nội, tay cầm nén hương, xin Ban Tổ chức Lễ tang vào viếng người quá cố.
Ngày 3/2/2005, ghi nhận công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc, Nhà nước ta đã truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh.
Ðể tưởng nhớ một trí thức yêu nước có nhiều cống hiến cho thủ đô và đất nước, năm 1999, Hội đồng Nhân dân TP Hà Nội quyết định đặt tên ông cho một đường phố đẹp và hiện đại ở cửa ngõ phía Tây thủ đô./.
Nguyễn Xuyến tổng hợp