Luật Xử lý vi phạm hành chính là công cụ quan trọng để Nhà nước duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính. Trong lĩnh vực hải quan, việc tổ chức thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan. Tuy nhiên, thực tế triển khai Luật Xử lý vi phạm hành chính đã phát sinh những vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung. Vướng trong lập biên bản vi phạm Theo Cục Hải quan Đồng Tháp, về lập Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được người vi phạm, theo khoản 8 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định Biên bản vi phạm hành chính phải được lập kịp thời khi phát hiện vi phạm, phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định; việc lập Biên bản bao gồm cả trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính. Thực tế khi thực hiện một số nội dung của Mẫu biên bản số 01 không phù hợp và khó xác định trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm. Cụ thể như nội dung yêu cầu phải xác định “Đã có hành vi vi phạm” tại khoản 2 và “Quy định tại khoản, Điều của Nghị định xử phạt” tại khoản 3; trong hoạt động kiểm soát của lực lượng Hải quan có phát hiện và tạm giữ tang vật vi phạm nhưng tại hiện trường không phát hiện người vi phạm nên không xác định được trong trường hợp này là hành vi mua bán, vận chuyển hay tàng trữ,… Do đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung mẫu Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm phù hợp về nội dung để tạo thuận lợi và thống nhất trong thực hiện. Vướng mắc cũng phát sinh liên quan thẩm quyền lập các Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, Biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm và Biên bản xác minh thông tin tiền, tài sản để cưỡng chế. Đối với việc lập biên bản tịch thu, theo Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về thẩm quyền lập biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là người có thẩm quyền xử phạt, việc lập Biên bản thực hiện theo mẫu MBB20 kèm Nghị định 118/2021/NĐ-CP. Theo đó, đối với những vụ việc do cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh thì phải do Chủ tịch UBND tỉnh lập Biên bản tịch thu. Trên thực tế Chủ tịch UBND tỉnh bận rất nhiều việc nhưng chưa có quy định về giao quyền hoặc ủy quyền thực hiện lập biên bản tịch thu nên việc thực hiện có kéo dài. Đối với việc lập Biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm và Biên bản xác minh thông tin tiền, tài sản để cưỡng chế, theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh. Việc xác minh thực hiện theo mẫu Biên bản xác minh kèm Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền lập biên bản phải là người có thẩm quyền xử phạt hoặc người được ủy quyền; Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định các biện pháp cưỡng chế thì việc xác minh tiền, tài sản để áp dụng biện pháp cưỡng theo mẫu Biên bản xác minh kèm Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định thẩm quyền lập biên bản phải là người có thẩm quyền cưỡng chế hoặc người được ủy quyền. Tuy nhiên, việc ủy quyền chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể; người có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế có được ủy quyền cho công chức tham mưu xử lý hồ sơ vụ việc để thực hiện hay phải ủy quyền cho Thủ trưởng đơn vị trình hồ sơ vi phạm. Do đó, kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 81 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định người lập biên bản tịch thu là người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hoặc quy định về việc giao quyền/ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan trình hồ sơ vi phạm cho Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền lập biên bản tịch thu; do biên bản tịch thu được lập để thi hành quyết định xử phạt/quyết định tịch thu, việc quy định người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản là không thật sự cần thiết. Đối với việc lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc và biên bản xác minh thông tin về tiền, tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế kiến nghị xem xét bổ sung nội dung quy định, hướng dẫn cụ thể khi thực hiện ủy quyền. Gặp khó trong xử lý tang vật Về niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm bị tạm giữ, theo khoản 5a Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định khi thực hiện việc tạm giữ, người lập biên bản, người có thẩm quyền tạm giữ phải niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp tang vật là động vật, thực vật tươi sống; hàng hóa vật phẩm dễ hỏng, khó bảo quản theo quy định của pháp luật. Thực tế khi thực hiện niêm phong tang vật, phương tiện bị tạm giữ đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc, đối với tang vật như là máy móc như máy gặt đập liên hợp hay phương tiện là ghe, xuồng,… hay đối với tang vật là thuốc lá ngoại, đường kết tinh thì việc niêm phong chưa có hướng dẫn cách thực hiện nên còn gặp khó khăn trong thực hiện. Từ thực tế trên, Cục Hải quan Đồng Tháp kiến nghị xem xét sửa đổi quy định về niêm phong tang vật theo hướng thực hiện chặt chẽ việc niêm phong kho hàng tạm giữ tang vật và giao cho đơn vị bắt giữ chịu trách nhiệm pháp lý đối với máy móc, thiết bị, phương tiện cồng kềnh để thuận lợi, thống nhất trong thực hiện. Về thời hạn xử lý tang vật, phương tiện vắng chủ, theo khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp thì phải thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng; hết thời hạn 1 năm kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan Đồng Tháp cho biết, theo quy định, thời hạn ra quyết định tịch thu kéo dài 1 năm mới có thể đề xuất phương án xử lý; việc thực hiện phương án xử lý sau khi được phê duyệt cũng mất nhiều thời gian. Việc này đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo quản tang vật do kho hàng tạm giữ có giới hạn; chất lượng của tang vật giảm, tăng phí lưu kho, tốn nhiều chi phí, công sức quản lý. Thực tế đối với những vụ việc vi phạm vắng chủ, đã hết thời hạn thông báo hầu như không có người đến nhận, không tìm được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý nên việc kéo dài thời hạn là không cần thiết. Chủ sở hữu của những vụ vi phạm này họ không bao giờ đến nhận vì họ biết khi đến nhận thì tang vật vi phạm cũng bị tịch thu, lại còn bị xử phạt và đây là yếu tố có thể dẫn đến bị xử phạt tăng nặng hoặc xử lý hình sự. Để công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính được nghiêm minh, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định và phù hợp với tình hình thực tế, hạn chế khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, Cục Hải quan Đồng Tháp kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm xem xét sửa, đổi bổ sung các nội dung còn gặp khó khăn, vướng mắc của Luật Xử lý vi phạm hành chính. |