Làm rõ phương án bù đắp khoản giảm thu ngân sách do giảm thuế GTGT | |
Đại biểu Quốc hội lo lắng “chảy máu” nguồn lực đất đai | |
Không công nhận tư cách đại biểu Quốc hội của Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương |
Toàn cảnh kỳ họp |
Tán thành cao việc cần thiết tiếp tục có những giải pháp, chính sách để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức, đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) cho rằng việc triển khai thực hiện giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023 là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi. Theo đó, đại biểu đề nghị cân nhắc cần kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách này cho đến hết năm 2024.
“Chính sách ban hành cũng cần có một khoảng thời gian đủ để đảm bảo có thể hấp thụ, đưa chính sách đi vào cuộc sống, để các địa phương có thể chủ động tính toán, cân đối việc giảm nguồn thu, giảm chi hoặc ngược lại, đảm bảo cho việc lập dự toán, cân đối thu, chi năm sau, bảo đảm sự ổn định, chủ động trong việc thực hiện đủ thời gian, chính sách phát huy hiệu quả tốt nhất”, đại biểu Trần Chí Cường nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đại biểu Nam Định) đánh giá cao việc thực hiện các giải pháp về thuế trong thời gian qua. Bà Hoa cho rằng, việc linh hoạt thực hiện chính sách thuế đã góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Bày tỏ nhất trí việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, tuy nhiên, đại biểu cho rằng, khó khăn thách thức trong thời gian tới là khá lớn, do đó, để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng ít nhất đến năm 2024.
Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế GTGT một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và DN.
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đại biểu Hải Dương) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng nhằm giúp DN và người dân tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống trong khi kinh tế gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế gia trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô (bao gồm cả đối với các dòng xe ô tô dưới 24 chỗ) để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp ô tô tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tạo đà tăng trưởng cho ngành công nghiệp ô tô qua đó tiếp tục đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như phát triển nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn, tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế. |
Phát biểu về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, các DN Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đằng sau cộng đồng DN là người lao động và các gia đình, của người dân nói chung.
Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường chỉ là phần nổi của tảng băng, các doanh nghiệp đang hoạt động cũng gặp phải khó khăn chồng chất. Đây chính là phần chìm của tảng băng, rất cần được quan tâm, tháo gỡ.
“Kích cầu thị trường trong nước là giải pháp quan trọng. Giảm thuế GTGT sẽ vừa giúp khoan sức dân, làm người tiêu dùng bớt khó khăn, đồng thời tác động ngay vào thị trường của các DN”, ông Lộc nhấn mạnh.
Tại phiên họp, báo cáo giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, phương án giảm thuế GTGT trình Quốc hội đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Trước ý kiến một số đại biểu đề nghị kéo dài thời gian thực hiện chính sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Nghị quyết 43 chỉ có hiệu lực cho đến hết năm 2023. Phương án Chính phủ trình phù hợp với cân đối ngân sách và mục tiêu chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến đề xuất đưa ô tô vào diện được giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ô tô là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43. Ô tô không nằm trong diện được giảm thuế là do chính sách này tập trung giảm thuế cho những lĩnh vực thiết yếu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, vấn đề là phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các DN, tăng cường năng lực của DN, tăng năng lực của nền kinh tế. Tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, tháo gỡ những khó khăn, tạo ra một thị trường tốt hơn sẽ có tác dụng lớn hơn việc giảm thuế.