Vướng mắc tập trung chủ yếu ở các cơ chế, chính sách Báo cáo mới đây của Tổ công tác số 5 của Chính phủ (do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng) trong việc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắt Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu nêu rõ, các khó khăn, vướng mắc tập trung chủ yếu ở các cơ chế, chính sách về giao vốn, trình tự, thủ tục thực hiện các dự án (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); công tác quy hoạch, nghiệm thu công trình (Bộ Xây dựng); giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng (Bộ Tài nguyên và Môi trường); việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vướng mắc trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc); vướng mắc liên quan đến mua sắm thiết bị (Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ngoài ra, khâu tổ chức, thực hiện ở các địa phương còn chưa quyết liệt. Việc bố trí kế hoạch vốn của các địa phương cho dự án chưa bảo đảm theo đúng khả năng hấp thụ vốn của các dự án. Nhiều dự án có khối lượng vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn còn thấp, có dự án còn chưa thực hiện giải ngân. Theo ý kiến của đại diện Sở Tài chính TP Cần Thơ, việc giải ngân chậm là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là người dân còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư; tiến độ thực hiện các khu tái định cư trên địa bàn quận, huyện chậm, dự án không có mặt bằng triển khai thi công; các dự án khởi công mới vào cuối năm 2023 được tạm ứng hợp đồng thi công theo quy định nên những tháng đầu năm 2024 khối lượng hoàn thành ngoài công trường chỉ được thanh toán một phần, phần còn lại phải thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định nên số vốn giải ngân chưa nhiều; các dự án khởi công mới trong năm 2024, hầu hết đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, kỷ thuật, dự toán, thủ tục đấu thầu nên chưa khởi công được và không có khối lượng… Tập trung xây dựng, sửa đổi một số dự án Luật Kiến nghị để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, phía Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương cần kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia và các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, cần duy trì việc giao ban thường xuyên của các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc... Đặc biệt, các bộ chuyên ngành cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án sửa đổi, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi để tạo điều kiện thông thoáng, giảm trình tự thủ tục để thúc đẩy giải ngân của các dự án, bảo đảm dự án đầu tư hiệu quả, tiết kiệm. Thực tế cho thấy, những vướng mắc nêu trên đã được Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương nhiều lần kiến nghị sửa đổi. Trong đó, trước nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã từng đặt vấn đề, nếu không sửa quy định pháp luật về đầu tư công thì sẽ tiếp tục bàn mãi về việc đầu tư công chậm… Vì thế, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất xây dựng dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đồng thời xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật). Luật Đầu tư công năm 2019 thời gian qua đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc, như việc phân cấp, phân quyền còn chưa triệt để, một số trình tự, thủ tục còn phải trình, báo cáo qua nhiều cấp, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn (bao gồm cả việc bổ sung danh mục dự án mới so với danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để ban hành Kế hoạch đầu tư công trung hạn) chủ yếu được điều chỉnh thông qua các nghị quyết của Quốc hội... Hơn nữa, một số nội dung còn chồng chéo, chưa được quy định cụ thể hoặc còn có nhiều cách hiểu đối với cùng một nội dung gây lúng túng cho các bộ, cơ quan và địa phương trong quá trình triển khai như các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, phạm vi dự án sử dụng vốn đầu tư công và nhiệm vụ sử dụng chi thường xuyên... Các chuyên gia nhận định, sửa đổi các quy định pháp luật để hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công sẽ giúp tối ưu hóa, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Do đó, công việc này cần các cấp, các ngành quyết liệt triển khai trong thời gian sớm nhất. |