Hà Nội phải có cơ chế đặc biệt tương xứng với vị thế Thủ đôThảo luận về dự án luật Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, ông đặc biệt quan tâm đến các quy định liên quan đế việc xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô, nhất là Điều 20 dự thảo luật về các biện pháp bảo đảm quy hoạch. Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội nhất trí cao với chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời nhất trí việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong đô thị, trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô.
Từ thực tế phát triển Thủ đô, nhất là sau sự kiện cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân và việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini, Tổng Thư ký Quốc hội nhận xét định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành cách đây 10 năm. “Đó là hệ lụy tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm” - Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh. Quan tâm đến quốc phòng, an ninh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, các chính sách đặc thù của Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo luật quy định đặc thù về quốc phòng, an ninh, đặc biệt là về an ninh trật tự thì chưa được vượt trội hơn. Bởi vì đặc thù của Thủ đô là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn để phát triển. Ủng hộ quan điểm phải có cơ chế đột phá, đặc thù hơn hẳn các địa phương khác để tương xứng với vị trí đặc biệt của Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận xét các cơ chế trong dự thảo chưa đủ mạnh và chưa phải là cái riêng, cái đặc biệt. Nếu Thủ đô tiếp tục sử dụng cơ chế bình thường, phân cấp bình thường thì cũng như các địa phương khác.
Trong đó, ông nhấn mạnh phải xem lại cơ chế tài chính, ngân sách, cơ chế phân cấp riêng cho thủ đô. Làm sao để ngoài nguồn lực được phân cấp, Thủ đô phải có định chế tài chính để huy động nguồn lực từ nhiều nguồn khác để phát triển, không phụ thuộc vào các nguồn được phân cấp. Cùng với đó, có thể tăng tỷ lệ bội chi của thành phố, đối với các công trình, dự án lớn có thể trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội để quyết riêng. Có thể cho phép Hà Nội bội chi đến 200%Đề cập đến nguyên tắc bản chất của dự thảo luật phân quyền, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng các quy định trong dự thảo luật cần được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô. Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là một đạo luật về phân cấp, phân quyền toàn diện các lĩnh vực, không chỉ kinh tế. Tuy nhiên, phải trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải rà lại nội dung nào Chính phủ quyết định, nội dung nào thành phố có thẩm quyền.
Dẫn ví dụ từ Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội cho biết thẩm quyền của thành phố rất lớn, không phải chờ bộ nọ, ngành kia, “quan trọng là phải quy định rõ trình tự, thủ tục, ai làm cái gì”. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số quy định liên quan đến phát triển thủ đô hành chính, như quy hoạch khu vực hành chính cho các cơ quan trung ương; đảm bảo điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng cho vận hành của các cơ quan trung ương trên địa bàn; sự tương tác giữa chính quyền trung ương và chính quyền thành phố…. Đề cập đến vấn đề phòng cháy chữa cháy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng thành phố cần có quy định, tiêu chuẩn cụ thể, có thể khác biệt so với các địa phương khác, ngoài ra “dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở”. Để huy động thêm nguồn lực cho Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội đề xuất có thể cho phép thành phố vay đến 150% hay 200% tổng thu ngân sách, so với tỷ lệ giới hạn 120% của TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa của Hà Nội thấp hơn nhiều TP.Hồ Chí Minh. Hơn nữa, muốn đầu tư đường sắt đô thị thì cần rất nhiều vốn. Nếu cần thiết thành phố có thể trình Quốc hội, Chính phủ quyết định gói riêng, không tính trong định mức./. |