Thoát cửa tử,átcửatửnữthợmaylàmmộtviệckhiếnngàynàocũngcóngườiđếnnhàbảng xếp hạng stade de reims gặp lorient nữ thợ may làm một việc khiến ngày nào cũng có người đến nhà
Nguyễn Vy
(Dân trí) - "Giây phút cận kề cái chết, tôi ước thời gian trở lại, để được làm nhiều chuyện giúp đời, giúp người. Ngày trở về từ cửa tử, tôi quyết tâm phải làm điều gì đó thật ý nghĩa", người phụ nữ 0 đồng nói.
"Cô 0 đồng"
Sáng sớm, mấy em nhỏ trong xóm nghèo ở phường Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM) đạp xe đến trước nhà chị Lại Thị Quỳ (SN 1984), í ới gọi tên "cô 0 đồng". Bọn trẻ hí hửng khoe, những chiếc xe đạp cả nhóm đang dùng là do chị Quỳ xin mạnh thường quân hỗ trợ cho.
Không những vậy, sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập của các em cũng là do chị Quỳ kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ. Vậy nên, bọn trẻ ở xóm đều rất quý chị, ngày nào cũng chạy đến nhà chào hỏi, vui đùa.
Nhà của chị Quỳ là một tiệm may nhỏ, có 4 chiếc máy may xếp xen kẽ. Chỉ tay về dàn máy, nữ thợ may chia sẻ đó là nơi chị dạy nghề miễn phí cho chị em phụ nữ ở lân cận. Toàn bộ máy móc, vải may sử dụng ở lớp học đều do Hội liên hiệp Phụ nữ xã Phạm Văn Hai và các mạnh thường quân khắp nơi hỗ trợ.
Mỗi ngày, nhóm phụ nữ thất nghiệp, người lớn tuổi hoặc công nhân có con nhỏ không thể tiếp tục công việc nữa, chia ca đến nhà chị Quỳ để học may. Đến nay, không chỉ chị em, nhiều nam thanh niên, đàn ông ở địa phương khác biết đến lớp học miễn phí, cũng tìm tới xin học nghề.
Tại đây, họ được chị Quỳ hướng dẫn tận tình, đến khi có thể tự cắt, may và thậm chí là mở được tiệm. Một số người còn tự thiết kế mẫu mã, gia công rồi mang đi bỏ sỉ cho tiểu thương ở chợ.
Nhiều người sau khi học xong không có điều kiện, chị Quỳ liền giới thiệu khách hàng hoặc nhận quần áo về cho họ gia công, kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ dạy nghề miễn phí, chị Quỳ còn giúp đỡ người khác bằng nhiều cách. Vậy nên, người ở địa phương thường gọi chị là "cô 0 đồng". Những người ở xa từng được chị Quỳ giúp đỡ, cũng thường xuyên gọi điện thăm hỏi, cảm ơn.
Sáng thứ hai, tư, sáu hằng tuần, chị Quỳ đặt trước cửa nhà một tủ bánh mì miễn phí, để người lao động tự lấy bánh lót dạ trước khi bắt đầu một ngày mưu sinh. Từ khi có tủ bánh mì, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đỡ được phần tiền ăn sáng. Không ít người ở xóm thấy việc làm hữu ích cũng ngỏ lời góp vốn để duy trì tủ bánh.
"Làm việc tốt, tối ngủ rất ngon!"
Chia sẻ về động lực để làm thiện nguyện, chị Quỳ chỉ cười xòa, nói gọn: "Làm chuyện tốt thì tối ngủ ngon hơn thôi".
13 năm trước, chị Quỳ rời quê Đồng Nai lên TPHCM làm công nhân. Nhiều năm quần quật ở công xưởng, nữ công nhân cuối cùng đành phải bỏ việc để dành thời gian chăm sóc con nhỏ.
Thất nghiệp, không kiếm ra tiền, chị Quỳ chật vật mãi mới mua được chiếc máy may, rồi lên mạng tự mày mò học nghề. Những sản phẩm đầu tay không như ý, chị Quỳ thức trắng đêm để sửa, rút kinh nghiệm. Sau nhiều nỗ lực, không bỏ cuộc, chị bắt đầu gia công được những loại trang phục cơ bản.
Dần dà, khách hàng cũng tin tưởng, tìm đến chị. Từ đó, nữ công nhân sống bằng nghề thiết kế, gia công hàng may mặc tại nhà. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM. Chị Quỳ không chỉ gặp khó khăn về tài chính mà sức khỏe còn giảm sút sau khi mắc bệnh.
"Ngày tôi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, khó thở, đông máu, bác sĩ thông báo cho người nhà chuẩn bị tinh thần vì tôi có thể ra đi bất kỳ lúc nào", chị Quỳ nhớ lại.
Khoảnh khắc ở lằn ranh sinh tử, nữ công nhân chợt rơi nước mắt khi nhớ lại quãng đời đã qua. "Lúc đó, tôi ước thời gian quay trở lại, để tôi được làm nhiều việc có ích hơn cho đời", chị Quỳ trải lòng.
Đã chuẩn bị tâm thế phải rời xa gia đình, đặt dấu chấm hết cho tất cả mọi thứ, vậy mà chị Quỳ may mắn hồi phục, vượt qua giai đoạn nguy hiểm.
Ngày trở về từ cõi chết, nữ công nhân quyết tâm làm điều gì đó để giúp đời, giúp người. Thấy những đứa trẻ mồ côi ba mẹ vì dịch Covid-19, sống bơ vơ không nơi nương tựa, chị Quỳ không kiềm lòng được.
Chị đứng ra kết nối, nhờ các giáo viên mà mình quen biết mở lớp học miễn phí cho các em vào mỗi tối thứ 7, chủ nhật. Chị còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ sách vở, dụng cụ học tập, quần áo, xe đạp cho tụi nhỏ.
Trong khả năng của mình, chị mở lớp dạy may miễn phí, thành lập cửa hàng quần áo, túi xách, áo dài 0 đồng giúp phụ nữ nghèo để chị em ai cũng có thể diện áo dài.
Chị Quỳ cũng bỏ tiền túi ra mua lương, thực phẩm hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn và thường xuyên tham gia bếp cơm từ thiện của Hội liên hiệp Phụ nữ xã cũng như nhiều chương trình thiện nguyện khác.
Có lần, chị Quỳ ngất xỉu ngay trước nhà vì cả ngày mải tổ chức tiệc trung thu cho các em nhỏ ở xóm, bận không kịp ăn, nghỉ. Lần gần đây nhất, trong lúc chở gạo đến thăm người khuyết tật, chị còn bị xe tải tông, may mắn là không nguy hiểm đến tính mạng.
Cánh tay vẫn còn đau sau tai nạn, chị Quỳ kể, khoảnh khắc ấy, chị không thấy đau, chỉ vội lật đật xem mấy bao gạo chở theo xe có bị hư hỏng gì không.
"Tôi làm những việc này với ý nguyện mong giúp đỡ được càng nhiều người càng tốt, cố gắng tối đa trong khả năng của mình. Không ngờ, những việc làm lặng lẽ lại được không ít người biết đến, rồi mọi người chung tay để cùng tôi hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Có cơ hội được giúp đỡ người khác, tôi thấy mình đang sống một cuộc đời vô cùng ý nghĩa và không nuối tiếc", chị Quỳ bộc bạch.