Luật sư Hà Huy Phong. Cơ quan Thuế có đòi được không và đòi như thế nào sẽ là bài toán khó giải. Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn Luật sư TP Hà Nội xung quanh vấn đề này. Xin ông cho biết, theo quy định pháp lý, “hậu” sát nhập, Uber hay Grab phải chịu trách nhiệm với khoản nợ thuế của Uber tại Cục Thuế TP.HCM?
Cho đến tại thời điểm hiện nay, thông tin về việc sáp nhập giữa Uber và Grab còn nhiều điểm rất mù mờ, không chỉ với thị trường mà ngay cả đối với cơ quan Nhà nước. Điều này có nghĩa không ai hay biết thực sự điều gì đã xảy ra giữa hai đơn vị kinh doanh vận tải công nghệ này. Và khi thông tin không rõ, rất khó để đưa ra một lí giải chính xác về các nghĩa vụ của Uber, trong đó bao gồm nghĩa vụ thuế với Nhà nước Việt Nam.
Để đi sâu lí giải trách nhiệm và nghĩa vụ thuế của Uber, chúng ta cần biết một chút về giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) mà Uber và Grab đã tiến hành. Trong hoạt động mua bán, sáp nhập này, các bên có thể thỏa thuận về việc mua lại một mảng kinh doanh, hay toàn bộ các hoạt động kinh doanh, mua lại toàn bộ công ty hay chỉ mua lại phần tài sản, công nghệ hay phần khách hàng.? Với các thông tin mà tôi biết, thực tế Uber chấp nhận chuyển giao lại cho Grab toàn bộ mảng kinh doanh của mình tại khu vực Đông Nam Á để đổi lại, Uber sẽ nắm 25% - 30% cổ phần trong công ty mới sau sáp nhập. Như vậy, không phải toàn bộ Công ty Uber sẽ sáp nhập vào Grab mà chỉ là một mảng kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á. Uber vẫn tồn tại và hoạt động độc lập tại những thị trường khác. Do không có sự sáp nhập về mặt pháp nhân, nên việc kế thừa của Grab đối với các quyền và nghĩa vụ trước đây mà Uber đang nợ đọng với các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ cần phải quy định rõ trong Hợp đồng sáp nhập giữa Uber và Grab.
Theo cá nhân tôi, khả năng cơ quan quản lý thuế tại Việt Nam phải sang tận Hà Lan để đòi nợ là rất cao bởi nhiều lý do. Thứ nhất, tư cách pháp nhân của Uber vẫn còn tồn tại nên nếu trong hợp đồng giữa Uber và Grab không quy định về việc chuyển giao cả nghĩa vụ nộp thuế thì mặc nhiên hiểu là Uber Hà Lan vẫn là người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thuế. Thứ hai, theo quy định của Bộ Luật dân sự Việt Nam, bên có nghĩa vụ có thể chuyển giao nghĩa vụ nếu được bên có quyền đồng ý (Điều 370). Nghĩa là, nếu Uber muốn chuyển nghĩa vụ nộp thuế cho Grab thì phải có sự đồng ý của cơ quan Thuế Việt nam. Trên thực tế thì chưa thấy ai nói về điều này.
Hiện tại, thông tin đang khá trái chiều giữa các phát ngôn của Uber và Grab. Theo quan điểm của tôi, mục đích của giao dịch sát nhập mà Grab thực hiện với Uber là mua lại không phải để kinh doanh mà để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Do đó, họ ít khi quan tâm tới các quyền và nghĩa vụ của bên bị mua lại mà chỉ quan tâm tới việc làm sao để loại bỏ bên bị mua lại trên thị trường càng sớm càng tốt để lĩnh vực của mình sớm lấp chỗ trống mà bên bị sáp nhập để lại. Theo kinh nghiệm tư vấn các giao dịch mua bán sáp nhập của tôi, thì khả năng cao, Grab sẽ không tiếp nhận lại nghĩa vụ thanh toán các khoản tiền thuế từ Uber. Như vậy, có khả năng Uber sẽ vẫn là người có nghĩa vụ phải nộp thuế.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, dù đã nhiều lần gửi văn bản “đòi nợ”, thậm chí có cả biện pháp “mạnh tay” nhưng Uber vẫn không hề phản hồi, vậy theo ông cơ quan quản lý nên xử lý số nợ này như thế nào?
Do Uber vào Việt nam trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam còn chưa rõ ràng về loại hình dịch vụ vận tải này, nên mất khá nhiều thời gian đưa ra kết luận về tính pháp lý của nó để giải quyết các vấn đề liên quan. Doanh thu mà Uber có được nhờ thu từ tài xế được chuyển thẳng về Hà Lan, nên người nợ thuế là Uber Hà Lan. Quản lý thuế, trong đó có biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế là hoạt động mang tính hành chính – nhà nước, chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ và quyền tài phán mà Việt Nam có quyền. Các biện pháp hành chính của Chính phủ Việt Nam sẽ không có giá trị trên lãnh thổ của quốc gia khác.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 26 Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với thuế đánh vào thu nhập giữa Việt Nam và Hà Lan, hai bên có thể có sự trao đổi thông tin với nhau về quản lý thuế, cưỡng chế, truy tố… nhưng không bên nào có quyền buộc bên kia “thực hiện các biện pháp hành chính khác với luật pháp hay thông lệ về quản lý hành chính của nước ký kết đó hay nước ký kết kia”. Có thể hiểu rằng, nếu Chính phủ Việt nam có biện pháp cưỡng chế thu hồi thuế với Uber Hà Lan thì cũng không có quyền yêu cầu cơ quan chức trách Hà Lan thực hiện quyết định cưỡng chế đó tại Hà Lan và đối với Uber Hà Lan.
Nói một cách thẳng thắn, có thể cho rằng, nếu Uber Hà Lan nhất quyết không chịu nộp thuế, thì việc thu hồi số thuế nợ đọng đó là nằm ngoài khả năng của cơ quan thuế và thậm chí là coi như bị mất trắng!
Một vấn đề khác cần đặt ra, nếu việc mua bán, sáp nhập công ty hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng hợp đồng mua bán diễn ra ở nước ngoài thì liệu Việt Nam có thu được thuế thu nhập doanh nghiệp trên phần lợi nhuận mà Uber được hưởng sau khi bán thị phần của mình ở Việt Nam?
Tại Điều 7, Thông tư số 103/2014/TT-BTC hướng dẫn về thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam quy định: “Thu nhập phát sinh tại Việt Nam của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài là các khoản thu nhập nhận được dưới bất kỳ hình thức nào trên cơ sở hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ (trừ trường hợp quy định tại Điều 2 Chương I), không phụ thuộc vào địa điểm tiến hành hoạt động kinh doanh của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài. Thu nhập chịu thuế của nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể như sau: Thu nhập từ chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; chuyển nhượng quyền tham gia hợp đồng kinh tế/dự án tại Việt Nam, chuyển nhượng quyền tài sản tại Việt Nam; Thu nhập từ chuyển nhượng, thanh lý tài sản”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, cho dù hợp đồng mua bán sáp nhập giữa Uber Hà Lan và Grab được thực hiện ở nước ngoài nhưng thu nhập đó phát sinh từ Việt Nam thì bên hưởng thu nhập vẫn phải có nghĩa vụ đóng thuế thu nhập cho Chính phủ Việt Nam theo đúng quy định. Tất nhiên, câu chuyện kê khai thuế, đóng thuế, thu thuế như thế nào sẽ còn là một câu chuyện còn khá dài và gian nan với cơ quan Thuế Việt Nam.
Xin cảm ơn ông! |