Doanh nghiệp thủy sản sẽ được hỗ trợ |
Nhằm hỗ trợ các DN thủy sản Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, nâng cao năng lực cạnh tranh và có thể duy trì, phát triển sản xuất xuất khẩu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã tổng hợp vướng mắc của doanh nghiệp kiến nghị một số nội dung.
Cụ thể, liên quan đến các vướng mắc về kiểm dịch trong khi chưa sửa đổi, bổ sung các thông tư liên quan (Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 26/2016/TTBNNPTNT và Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNN) , cần có chỉ đạo, hướng dẫn để cho phép DN tùy theo điều kiện thực tế được lựa chọn hình thức kiểm dịch (kiểm tra nhập khẩu) giữa hai hình thức: kiểm dịch tại kho của DN; hoặc kiểm dịch tại cảng rồi mang hàng về kho bảo quản chờ thông quan.
Bên cạnh đó, đại diện VASEP kiến nghị, trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 và cải cách hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ đạo các cơ quan thú y cửa khẩu tăng cường việc kiểm tra kịp thời lô hàng nhập khẩu cho DN theo hình thức mà DN chọn (tại kho, hoặc tại cảng).
Liên quan đến vướng mắc trong việc đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật thủy sản dùng làm thực phẩm vào danh mục kiểm dịch nhập khẩu, kiến nghị Bộ NNPTNT không đưa hoạt động kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thuỷ sản dùng làm thực phẩm cho người (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền,…) vào danh mục có tên kiểm dịch- trừ các sản phẩm sống, tươi sống, ướp lạnh.
Việc nhập khẩu các sản phẩm kể trên để dùng làm thực phẩm đã và đang được Cục Thú y kiểm tra nhập khẩu theo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm là phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ sở khoa học. Chính vì thế, cần được trả lại đúng tên, đúng khái niệm, đúng quy định trong các Thông tư liên quan của Bộ NNPTNT. Đó là kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, không phải là kiểm dịch như đã được “mang tên” trong các Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 26/2016/TTBNNPTNT và Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT. Và khi đó, việc kiểm tra ATTP nhập khẩu phải thực hiện theo đúng cơ chế-phương thức tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm 2010.
Theo VASEP, các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuỷ sản (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền,…) vẫn đang tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch quy định tại các Thông tư về “kiểm dịch” của Bộ NNPTNT. Trong đó, phần lớn và chủ yếu (tính theo lượng) là sản phẩm thuỷ sản đông lạnh dùng làm thực phẩm.
Điều đáng nói, Danh mục hàng phải “kiểm dịch” theo quy định tại 3 thông tư nên trên rất rộng. Các container hàng nhập khẩu đều phải kiểm tra 100% (kiểm tra hồ sơ, cảm quan) dù nhập cho mục đích gì (gia công hàng XK, hay tiêu dùng nội địa) và có lịch sử ra sao; việc lấy mẫu kiểm nghiệm áp dụng khi có nghi ngờ đối với hàng nhập để SXXK, GCXK và 20% số lô/năm đối với hàng nhập để tiêu dùng nội địa.
Quy định trên dẫn đến quy mô và số lượng mặt hàng, lô hàng phải “kiểm tra nhập khẩu” hiện nay là rất lớn, với hàng chục nghìn mặt hàng. Theo số liệu công bố của Dự án TFP tại Hội thảo góp ý Dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT (về mã H/S hàng hoá phải kiểm tra nhập khẩu), tổng số mặt hàng thuộc diện quản lý kiểm tra chuyên ngành của Việt Nam (13 Bộ- trong 10 tháng năm 2020) là 70.087 mặt hàng, trong đó Bộ NNPTNT là 57.562 mặt hàng, chiếm 82,13% tổng số.
Cũng theo thống kê và công bố của Dự án TFP, số lượng lô hàng vi phạm trong quá trình kiểm dịch các năm qua là vô cùng thấp (Năm 2017: chỉ 4 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,001%; Năm 2018: chỉ 6/tổng số 183.831 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0,01%; Năm 2019: 0 /tổng số 320.376 tờ khai bị vi phạm, chiếm 0%). Trong khi đó, các yêu cầu về kiểm dịch, tần suất kiểm dịch và số lượng lô hàng bị đưa vào diện kiểm dịch lại tăng dần lên từ 2010 đến nay.
Việc duy trì các đối tượng, danh mục “hàng chế biến dùng làm thực phẩm” phải kiểm dịch qua các năm và tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT là biện pháp quá mức, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành.