(CMO) Ánh sáng của Đảng đã sớm chiếu rọi đến vùng đất Cà Mau, dần xoá đi cảnh đời tăm tối. Kiếp người khi chưa có Đảng, khi chưa có cách mạng dẫn đường chẳng khác nào “kiếp trâu bò” bị bóc lột, áp bức đến tận cùng đường sống. Trên sông Cà Mau một sớm mùa xuân năm 1930, lần đầu tiên người ta ngỡ ngàng chiêm ngưỡng một màu cờ đỏ thắm với biểu tượng búa liềm. Không ai bảo ai, nhưng tận sâu trong lòng, mỗi người đều cảm nhận rằng sẽ có một thay đổi to lớn và chấn động ở xứ sở này. Rồi đến ngày 1/5/1930, trên nóc đình thần Tân Hưng, màu cờ ấy lại vút cao trong gió. Đúng rồi, ngọn cờ ấy réo gọi tất cả những người con yêu nước, chung một tấm lòng đánh đuổi giặc thù.Quê hương mang tên anh hùng Tìm về xã cửa ngõ Lý Văn Lâm của TP Cà Mau, ghi lại những dấu ấn lịch sử mà vùng đất này đã đi qua, có những điều khiến người ta rơi nước mắt. Cách đây 88 năm, 3 thanh niên yêu nước Lương Thế Trân, Nguyễn Ngọc Hưng và Nguyễn Đức Cao đã treo lá cờ đỏ búa liềm ngang 1 m dài 2 m có hàng chữ ghi “Ngọc - Đức - Thế” (tên lót của 3 người) và dòng chữ “Diệt trừ Pháp tặc”.
Lý Văn Lâm cũng là nơi hình thành và đóng quân của Bộ Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng, nơi kiên cường đánh Pháp khi chúng quay lại xâm lược nước ta năm 1946. Theo các tài liệu lịch sử, ngày 2/2/1946, Pháp đánh chiếm Cà Mau. Để ngăn cản bước tiến của giặc, xây dựng lực lượng kháng chiến nông thôn, Mặt trận Tân Hưng đã kiên cường cầm chân giặc trong 3 tháng. Thời kháng chiến chống Mỹ, Lý Văn Lâm là vị trí cửa ngõ chiến lược trên tuyến Quốc lộ 1. Những chiến công hiển hách, những cá nhân ưu tú mãi mãi được tạc vào lòng người, sử sách. Có thời gian, Lý Văn Lâm là địa bàn thuộc huyện Châu Thành, một huyện tồn tại rất đặc biệt, trong thời gian không dài và giải thể ngay sau khi đất nước hoà bình thống nhất. Những người trong cuộc nói rằng, Châu Thành giống với một đơn vị chiến đấu hơn là tên của một địa danh ở Cà Mau, còn với hậu thế, cái tên ấy đã trở thành huyền thoại. Ông Lý Dũng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Gì thì gì chớ người Lý Văn Lâm luôn giữ vững truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác”. Nhiều lớp người của Lý Văn Lâm dưới lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc đã không tiếc máu xương, sinh mạng, của cải cho sự nghiệp chung. Phó bí thư Đảng uỷ xã Lý Văn Lâm Phan Hoàng Giang chia sẻ: “Là người con của quê hương, tôi vô cùng tự hào về truyền thống cách mạng mà thế hệ cha ông gầy dựng”. Trên mảnh đất Lý Văn Lâm, ngọn cờ của Đảng đã phất cao cùng nhịp điệu với cả nước. Cà Mau hoà chung trong không khí sục sôi, trong tinh thần bất diệt của những ngày đầu kiến quốc. Cũng phải nói rằng, lá cờ Đảng trên đình thần Tân Hưng đã tạo nên tiếng vang vô cùng to lớn trong lòng Nhân dân lúc ấy. Người người tin rằng, lá cờ đó là điềm báo cho một tương lai, đại diện cho một sức mạnh vô địch và quan trọng nhất là đại diện cho ý chí, cho quyền lợi và sẽ là lựa chọn của tất cả người Cà Mau yêu nước, thương nòi. Tại đình thần Tân Hưng, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống vẫn được địa phương Lý Văn Lâm duy trì thường xuyên. Anh Giang cho biết: “Các điểm trường của xã đều đặn tổ chức các buổi ngoại khoá, tìm hiểu lịch sử và có những tư liệu rất sâu về các sự kiện của địa phương, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa, vai trò của Mặt trận Tân Hưng và việc treo cờ Đảng trên đình thần”. Thế hệ trẻ của Lý Văn Lâm ngày càng hiểu rằng, cờ Đảng chính là sự hiện diện của tinh thần thời đại, của lý tưởng mà Bác Hồ và Nhân dân lựa chọn. Bước tiến mạnh mẽ Tựa vào truyền thống hào hùng, Lý Văn Lâm hôm nay đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Là xã nông thôn mới năm 2014, đến nay Lý Văn Lâm chỉ còn tỷ lệ hộ nghèo hơn 1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt ngưỡng 50 triệu đồng/người/năm. Lý Văn Lâm còn là lá cờ đầu của ngành nông nghiệp sạch và bên cạnh đó là những lợi thế về thương mại, dịch vụ từ xu thế đô thị hoá. Anh Giang phân tích: “Các ấp Bà Điều, Thạnh Điền nằm trên trục Quốc lộ 1 nên đang đô thị hoá nhanh chóng, việc phát triển của bà con cũng theo đó mà ưu tiên cho mua bán, dịch vụ”. 6 ấp còn lại, địa phương đã tính toán để có sự đa dạng và hiệu quả trong cơ cấu sản xuất. Những ngày này đi trên quê hương Lý Văn Lâm, rẫy dưa hấu, ruộng rau màu đang háo hức chờ mùa Tết. Thông tin từ anh Giang, rau màu của xã đã có một số mặt hàng (hiện tại là rau bồ ngót và dưa leo) được đưa vào Co.opmart Cà Mau và thời gian tới còn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, Lý Văn Lâm cũng đã từng một thời loay hoay với lựa chọn hướng phát triển. Đơn cử như 200 ha giáp Lợi An (huyện Trần Văn Thời) có thời gian bị nhiễm phèn mặn nặng nề, người dân gặp vô vàn khó khăn trong sinh kế. Rồi có giai đoạn, nông dân Lý Văn Lâm nhất quyết đòi nuôi tôm, bởi ai cũng nghĩ, nuôi tôm sẽ… giàu. Ông Lý Dũng tiếp lời: “Ông thấy quy hoạch giữ ngọt như xã mình là hay lắm. Mấy cháu thấy giờ đây Lý Văn Lâm có thua ai đâu. Ngọt hoá và nông nghiệp sạch là hướng đi bền vững, là hướng đi làm giàu”. Gặp ông Chín Minh (Trần Hoàng Minh), ấp Bà Điều, ông kể: “Hồi trước đâu có nhà cửa gì nhiều, Quốc lộ 1 là con đường đất đỏ chút xíu. Nhà tôi còn giăng lưới kiếm cá ở 2 con kinh cặp lộ”. Miên man trong câu chuyện, ông Chín Minh quả quyết rằng: “Ở đâu có đường, có lộ là ngon thôi”. Từng là Bí thư chi bộ ấp mấy nhiệm kỳ, ông Chín bộc bạch: “Lý Văn Lâm sắp xếp, bố trí phát triển vậy là ổn lắm. Nó sát với điều kiện từng ấp, thấy được thế mạnh của từng nơi. Bà con giờ ổn định, có nhiều chỗ khá lắm”. Theo tầm mắt của ông Chín, người ta còn thấy một tương lai phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đột phá hơn nữa của quê hương.
Còn với ông Tám Bộ (Trần Minh Bộ), ông về ấp Bào Sơn, Lý Văn Lâm vì một lẽ giản đơn: “Đất lành thì chim đậu”. Ông Tám kể, ông quê Đầm Dơi, theo cách mạng miết, lúc gần về hưu thì chọn miếng vườn 6 công ở đây để “dưỡng già”. Khều vai khách, ông Tám ra hiệu: “Chỗ nào cũng có mồi nghen con”. Trên bờ là xoài, vú sữa, mận, mãng cầu, dừa xiêm… dưới nước là các loại cá, ếch, bông súng… Chỉ qua anh Lê Thanh Trầm, cán bộ xã dẫn chúng tôi đi cơ sở, ông Tám nói: “Trầm năm nay trúng dưa dữ hả bây?”. Anh cán bộ cười cười rồi nói: “Nghề nghiệp ráng đeo Tám ơi. Với lại năm nay coi bộ giá cả cũng được”. Rời quê hương nước mặn “sáng sao”, quãng đời còn lại ông gắn bó với Lý Văn Lâm, vì với ông: “Cuộc sống như vầy là đủ. Thấy bà con quanh đây sống đàng hoàng, sung túc lắm. Điều này không phải chỗ nào cũng có được đâu”. Nắng cuối năm, buổi chiều vàng rợp thắm sắc quê hương, tự dưng nhớ tới anh bạn đồng nghiệp hay nghêu ngao bài vọng cổ “Bà má Lý Văn Lâm”. Thì ra đất này cũng gieo lắm nhớ thương, đi tới đâu cũng có những chuyện hay, người tốt để mà lưu luyến. Máu của biết bao thế hệ đã thấm vào quê hương, tô thêm sắc hồng rạng rỡ của ngọn hồng kỳ, và đẹp lắm quê hương đang trên đà vươn tới./. Phạm Quốc Rin |