Đó là những thông tin được thảo luận tại hội thảo Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường EU và thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU MUTRAP) tổ chức tại TP.HCM ngày 25-9.
Theo EU- MUTRAP, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước XK hàng đầu thế giới về hàng dệt may và da giày. Trong đó, doanh số XK hàng dệt may năm 2014 đạt 20,9 tỉ và giày dép đạt 12,7 tỉ USD, có mức tăng trưởng trung bình 15% trong 5 năm gần đây.
EU là thị trường XK lớn nhất của ngành da giày Việt Nam với kim ngạch đạt gần 3,6 tỉ USD năm 2014, tăng 17,3% so với năm 2013, chiếm tới 34% tổng kim ngạch XK giày dép của Việt Nam.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng được dự báo chậm lại nhưng EU vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với bình quân GDP tính trên đầu người lên tới 25.000 euro trên tổng số 500 triệu người tiêu dùng. Đồng thời, EU cũng là thị trường XK đứng thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ.
Theo ông Claudio Dordi, trưởng nhóm chuyên gia tư vấn Dự án EU-MUTRAP, EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho GDP của Việt Nam tăng từ 7 đến 8% vào năm 2025, XK tăng 50% vào năm 2020 và lên 93% vào năm 2025. Trong đó hàng dệt may tăng 16%, may mặc tăng 40% và đồ da tăng 31%.
Cơ hội là rất lớn nhưng nếu không có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ thì các DN dệt may, da giày của Việt Nam sẽ khó tận dụng được cơ hội vì dù có dỡ bỏ thuế quan theo cam kết của FTA thì các rào cản kĩ thuật của EU cũng là trở ngại lớn cho các DN XK dệt may da giày.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may, để nhập khẩu vào EU, sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam phải tuân thủ một loạt quy định về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kĩ thuật an toàn sản phẩm, dán nhãn, hướng dẫn sử dụng và nước xuất xứ, sử dụng hóa chất, tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt, bao bì và chất thải từ bao bì, thiết kế thiết bị bảo hộ… một cách nghiêm ngặt.
Hạn chế của DN Việt Nam hiện nay là thiếu thông tin và hiểu biết về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lí và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa có đầu mối quản lí cung cấp một cách hệ thống và cập nhật các yêu cầu tuân thủ của các thị trường NK.
Ngoài ra, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Da giày Việt Nam, trong những năm gần đây, số lượng các DN sản xuất dệt may và da giày tăng trưởng rất nhanh. Thị trường thử nghiệm dệt may và da giày có doanh số tăng cao, dự báo, trong giai đoạn 2015-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng 10%/năm. Tuy nhiên 88% thị trường này bị kiểm soát bởi các công ty thửu nghiệm đa quốc gia như BV, Intertex, SGS, TUV...
Trong khi đó mặc dù được đầu tư về năng lực thử nghiệm trang thiết bị nhân lực và hệ thống quản lí, các tổ chức thử nghiệm trong nước vẫn gặp một số trở ngại để được công nhận kết quả ở thị trường các nước nhập khẩu, đặc biệt là tại EU và Mỹ là hai thị trường XK chủ lực của ngành dệt may, da giày Việt Nam. Đây cũng là những khó khăn mà DN XK dệt may, da giày trong nước đang phải đối mặt.
Để tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả, theo khuyến nghị của các chuyên gia, các DN Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào quy tắc xuất xứ sản phẩm, đẩy mạnh phát triển kênh phân phối tại EU, tạo lập thương hiệu quốc gia và tập trung vào những sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội, tuân thủ các quy định kĩ thuật, an toàn thực phẩm.