VHO - Nói đi đôi với làm,đầuđàntrêncổngtrờiMườngLốkeo bong da chau au gương mẫu, tận tụy, nhiệt tình, biết giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bản sắc dân tộc, luôn tiên phong trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc…những tiếng lành về ông Vừ Tồng Pó, người có uy tín trong cộng đồng người Mông ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã bay xa khắp chín bản mười mường.
Đi đầu trong "thoát" nghèo
Một ngày thu trong xanh, chúng tôi ngược lên Mường Lống, nơi được mệnh danh là “mường quên lạc”, “Sa Pa xứ Nghệ” nằm cách trung tâm huyện hơn 40 km. Lần này lên Mường Lống, dù con đường “ngang trời” nhiều dốc núi cheo leo nhưng giờ đã thảm nhựa, xe bon bánh êm ái luồn trong mây.
Trên đỉnh “cổng trời” độ cao 1.500m so với mực nước biển, chuội xuống là các bản làng hiện lên mờ ảo trong lớp sương bồng bềnh.
Mường Lống từng biết đến là vùng đất xa xôi với những nếp nhà nằm chênh vênh bên sườn núi, oằn mình đi qua cái đói lay lắt mùa giáp hạt. Nơi đây cũng từng là “thủ phủ” của cây anh túc, loài độc dược khiến bao người kiệt quệ trong nghèo khó.
Nhưng đây đã là câu chuyện của gần 20 năm trước. Ngày nay, Mường Lống đã và đang thay đổi mỗi ngày với những sắc màu tươi mới, hồi sinh của hoa sâm bảy lá, hoa mận tam hoa, hoa mơ, hoa cải...
Theo bản đồ định vị, chúng tôi đã đến địa chỉ ngôi nhà du lịch cộng đồng homstay của hộ gia đình ông Vừ Tồng Pó. Trên cao, gió lồng lộng, ông Pó xởi lởi ra đón khách: Ô! Vui quá, những ai vượt được “cổng trời” vào đây đều khách quý của bản ta rồi.
Mời vào, mời vào…!”. Được ông Pó dẫn vào tham quan quanh cơ ngơi của mình, chúng tôi bị thu hút bởi sự mộc mạc và bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc được thể hiện rõ trong kiến trúc cũng như cách bài trí các đồ vật bên trong ngôi nhà.
Ngôi nhà mang phong cách kiến trúc của đồng bào người Mông với mái lợp, thưng ván gỗ pơ mu, bàn ghế gỗ mộc...
Chị Cụt Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện dẫn đoàn đi cho biết: Ông Vừ Tồng Pó (sinh năm 1970) là một người có uy tín trong cộng đồng ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện rẻo cao biên giới Kỳ Sơn.
Những năm qua ông Vừ Tồng Pó đã phát huy vai trò “hạt nhân” trong các phong trào văn hoá, văn nghệ truyền thống của dân tộc, không ngừng đổi mới, năng động sáng tạo trong phát triển kinh tế.
Ông Pó là người Mông đầu tiên ở Kỳ Sơn áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học. Kết hợp với chăn nuôi ông còn xây dựng homestay phát trển du lịch sinh thái cộng đồng, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương, trở thành tấm gương sáng cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền núi học tập xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Sau bữa cơm đãi khách mang đậm văn hóa ẩm thực là đặc sản gà đen, lợn đen Mông, rau cải Mông..., ông Vừ Tồng Pó chia sẻ: Những năm trước đây đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã vùng cao Mường Lống, huyện Kỳ Sơn còn rất nhiều khó khăn, kinh tế của các hộ chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy là chính.
"Mặc dù siêng năng cần cù, nhưng với cung cách chăn nuôi sản xuất theo hướng truyền thống nên thường gặp rủi ro do thiên tại dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên cái nghèo vẫn đeo đẳng người dân địa phương trong đó có gia đình tôi.
Năm 2018 được tham gia dự án “Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học” do Trung ương Hội và Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ, tôi đã mạnh dạn áp dụng các kiến thức đã được tập huấn, chăm sóc cẩn thận đàn gà giống, nhân rộng mô hình từ con số ban đầu là 350 con lên 1200 con trên diện tích 500 m2", ông Vừ Tồng Pó chia sẻ.
Gà đen bản địa Kỳ Sơn là giống gà truyền thống quý hiếm của đồng bào Mông có đặc điểm chân 5 móng, thịt đen, xương đen, hàm lượng mỡ trong thịt ít, thịt chắc và rất thơm ngon vào bậc nhất trong các giống gà hiện nay.
Đặc biệt gà đen bản địa còn là một dược liệu quý giúp tăng cường sinh lực, kết hợp với thuốc nam để chữa nhiều bệnh được người dân địa phương thường xuyên sử dụng theo phương pháp truyền thống như một loại thuốc không thể thiếu trong gia đình.
Nhận thấy, nhu cầu của thị trường về tiêu dùng gà đen bản địa và cung ứng gà giống, ông Pó đã vay 70 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy ấp trứng, máy phát điện tạo cơ sở cung cấp giống gà đen bản địa cho toàn huyện.
Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình ông cung cấp hàng nghìn con già giống cho thị trường góp phần nâng thu nhập từ chăn nuôi gà lên trung bình 350 triệu đồng/ năm.
Không chỉ phát triển kinh tế hộ, ông Vừ Tồng Pó còn tận tình chỉ dẫn, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình trong địa phương phát mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học.
Ông được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp đầu tiên của Kỳ Sơn, góp phần phát triển, tập hợp các hộ chăn nuôi gà đen thành Chi hội chăn nuôi gà đen Mường Lống với 15 hộ và 32 thành viên tham gia, quy mô đàn phát triển 7.000 - 10.000 con.
Từ Chi hội chăn nuôi gà đen, ông đã cùng với các thành viên sáng lập Hợp tác xã Nông nghiệp và du lịch Mường Lống.
Năm 2022, ông cùng các thành viên hợp tác xã bảo vệ thành công thương hiệu Gà đen Kỳ Sơn đạt OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, gia đình ông Vừ Tồng Pó còn phát triển kinh tế trang trại, trồng hơn 2 ha cỏ voi, chăn nuôi đàn trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu lãi từ 60 đến 80 triệu đồng.
Để khuyến khích người dân trong vùng vươn lên phát triển kinh tế, ông Pó thường chia sẻ với bà con: “Mình có sức khoẻ, có đất đai và được Đảng và Nhà nước quan tâm cho nhiều chủ trương chính sách thì gia đình mình phải phát huy nội lực, siêng năng chăm chỉ, quan tâm nắm bắt thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng gia sản xuất.
Chúng ta phải bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình mình, làm người có ích cho xã hội, đóng góp cho sự phát triển của quê hương.”
Tiên phong “làm vui, ấm bản”
Nhiệm kỳ 2020 -2025, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn triển khai chủ trương phát triển du lịch tại Mường Lống, ông Vừ Tồng Pó cùng bà con dân bản được tham gia các lớp tập huấn do huyện và Sở Du lịch Nghệ An tổ chức về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Tiếp thu những kiến thức được tập huấn và học hỏi từ các địa phương khác, từ năm 2021, gia đình ông đã xây dựng Mô hình homestay gắn với phát triển vườn đào mận, phục vụ và thu hút khách du lịch.
Trong tiếp đón khách du lịch, gia đình ông luôn dành sự chân thành và niềm nở, tận tình phục vụ như đón tiếp người thân đi xa trở về.
Đặc biệt các món ẩm thực của người Mông trong đó gà đen là món không thể thiếu và những nét đặc trưng của văn hoá, văn nghệ truyền thống của dân tộc Mông như: như làm bánh, múa khèn, hát cự xia, trường ca, ném còn, đánh gụ, thăm quan vườn đào vườn mận, cùng người dân lên rẫy thu hoạch rau quả, tắm thác Rồng... luôn để lại ấn tượng mới mẻ, sâu sắc và thú vị cho lữ khách gần xa.
Nhận thấy được tiềm năng du lịch của địa phương, nhu cầu ngày một tăng, ông Vừ Tồng Pó giúp đỡ bà con trong bản cùng phát triển mô hình.
Khi được hỏi làm người "tiên phong" theo mô hình phát triển du lịch có gặp khó khăn không, ông Vừ Tồng Pó thú thật: Có đấy! Với số vốn liếng tích cóp và vay mượn, được cán bộ hướng dẫn, tôi “liều” bắt tay làm du lịch trong sự hoài nghi, lo lắng của bà con bản làng.
Những ngày đầu làm du lịch, tôi gặp rất nhiều trở ngại vì bất đồng ngôn ngữ cũng như cách quảng bá, kết nối tua du lịch.
Do lượng khách đông, homestay của chúng tôi đón các đoàn khách còn nhiều thiếu sót, nhưng bằng tấm chân tình, chất phác và gần gũi, khách du lịch đã thông cảm và dành lời khen.
Từ chàng trai người Mông thẳng tính, tôi dần trở nên điềm tĩnh, lắng nghe khách đến thăm. Nhiều tấm hình check in của du khách lên mạng xã hội đã giúp homestay của chúng tôi được nhiều người biết đến. Vui trong cái bụng lắm!
Bây giờ lên Mường Lống, homestay Vừ Tồng Pó trở thành địa chỉ được nhiều du khách tìm đến. Nhờ phát triển các dịch vụ du lịch mỗi tháng gia đình ông Pó lại có thu nhập thêm trên 10 triệu đồng.
Chị Lầu Y Dếnh là chủ hộ chăn nuôi gà đen và làm du lịch cộng đồng tại bản Mường Lống 1 chia sẻ: “Ông Pó rất năng động, tiêu biểu làm kinh tế giỏi, là người đầu tiên xây dựng thành công mô hình chăn nuôi gà đen và làm du lịch cộng đồng ở Mường Lống.
Ông Pó cũng am hiểu văn hóa, văn nghệ truyền thống dân tộc Mông, là nghệ nhân thổi khèn Mông. Ông luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, vận động tất cả bà con nhân dân ở Mường Lống mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế và phát triển du lịch cộng đồng... Nhờ đó, gia đình mình được học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, cách làm và động lực vươn lên, con cái được học hành, gia đình có của ăn của để”.
Theo gương ông Pó, đến nay, trên địa bàn xã Mường Lống có 6 hộ làm homestay, 33 hộ chăn nuôi gà đen an toàn sinh học, 1 Hợp tác xã, 1 doanh nghiệp làm du lịch và 1 câu lạc bộ văn hoá văn nghệ quần chúng cấp huyện do ông Pó làm chủ nhiệm.
Mô hình kinh tế và tấm lòng vì cộng đồng của mình, ông Vừ Tồng Pó đã được các cấp, các ngành ở địa phương ghi nhận và được người dân bản trên mường dưới tin yêu. Với nhiều thành tích xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, nhiều năm làm trưởng bản, ông đã được các cấp, các ngành biểu dương: UBND huyện và UBND tỉnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 -2023, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An.
Năm 2021, Hội Nông dân tỉnh tôn vinh hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Tỉnh; năm 2022 được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh là hội viên nông dân giỏi Toàn quốc.
Năm 2023, được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khen thưởng là tổ trưởng tổ Tiết kiệm và Vay vốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ....
Nói về những đóng góp của ông Vừ Tồng Pó, anh Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Ông Vừ Tồng Pó là Chủ nhiệm câu lạc bộ Văn hóa – Văn nghệ truyền thống dân tộc Mông tại bản Mường Lống 1, ông luôn thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương xây dựng mô hình kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp sinh thái.
Để “níu” khách du lịch thì còn nhiều việc phải làm, nhưng những “đầu tàu” phong trào như ông Pó đang tạo được những điểm nhấn trong bức tranh du lịch cộng đồng và góp phần sớm đưa huyện Kỳ Sơn được trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh.
Ông Pó trở thành nguồn cảm hứng, động lực, là tấm gương tiêu biểu để người dân đồng bào các dân tộc ở miền núi học tập, vươn lên.
Chúng tôi thấy công tác “dân vận khéo” từ việc phát huy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ông Vừ Tồng Pó thực sự hiệu quả.
Rời “cổng trời” trong một chiều nhiều nắng, nhìn con đường hai bên phủ màu xanh núi rừng nơi miền biên viễn, trong lòng chúng tôi thấy dấy lên niềm vui khó tả.
Vui vì vùng đất trước đây có nhiều tập quán canh tác cũ, nhiều hủ tục, đói nghèo, nghiện ngập thường xuyên đeo bám thì nay nơi rẻo cao đã đổi thay vì có những "cánh chim đầu đàn" trong các phong trào như ông Pó.
Sức sống mới đang bừng lên ở Mường Lống đã và đang trở thành “thiên đường hoa vào mùa xuân” và nơi trẩy hội vào mùa hái quả.
Trong tiếng gió chúng tôi nghe được tiếng hát, tiếng nhạc réo rắt, trầm bổng, lôi cuốn. Có lẽ, dân bản và du khách đang say sưa trong điệu múa, điệu khèn…