Doanh nghiệp công nghiệp tìm sản phẩm mới “hút” khách hàng Doanh nghiệp FDI tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ trong nước Liên kết đưa công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi cung ứng toàn cầu |
Toàn cảnh tọa đàm. |
Tỉ lệ nội địa hóa đã có cải thiện
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết tại Tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, tăng trợ lực cho công nghiệp hỗ trợ”, do Tạp chí Công Thương tổ chức, ngày 22/9.
Thời gian qua, những chính sách khuyến khích của Nhà nước cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển về cả số lượng và chất lượng, cải thiện khả năng cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu. Đồng thời, năng lực sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đã được cải thiện.
Mặc dù vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành. Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá là chưa cao.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trong vòng khoảng gần 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp hỗ trợ đã có những chuyển biến rất tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện khoảng 5.000 doanh nghiệp. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ… các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa…
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia lên tới 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ô tô, hiện có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.
Đáng chú ý, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của chúng ta cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. “Trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45 - 50 %; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15 - 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5 - 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn”, ông Phạm Tuấn Anh thông tin.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, công nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhiều hạn chế. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vẫn đang nằm ở phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng.
Phần nghiên cứu phát triển (R&D) tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng đã có được quan tâm đến nhưng chưa thực sự đúng mức.
Mặc dù, thời gian vừa qua các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực trong việc kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, nhưng mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các doanh nghiệp FDI chưa được chặt chẽ.
Ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho biết, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động của các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và các doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Hà Nội đã có bước phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Vân cũng chia sẻ, về năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng.
Chiến lược thu hút “sếu đầu đàn”
Theo ông Nguyễn Vân cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, như: Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp cũng phải “tự thân”, nâng cao năng lực tốt hơn, sản phẩm sản xuất ra phải đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà cung cấp cho các doanh nghiệp đặt hàng.
Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, trong thời gian tới thì ngoài việc sửa đổi các chính sách, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có những giải pháp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua đào tạo và mở rộng thị trường.
“Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài việc xúc tiến đầu tư, chúng tôi sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành, để làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào đó, kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ”, ông Phạm Tuấn Anh thông tin.
Bên cạnh đó, vừa qua Chính phủ ban hành Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong thời gian tới Bộ Công Thương cũng sẽ sớm đưa vào khai thác, chế biến những loại khoáng sản hiện nay doanh nghiệp sản xuất đang có nhu cầu rất lớn nhưng phải nhập khẩu để chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, góp phần giảm giá thành của sản phẩm.