Khép lại một năm đầy khó khăn của ngành dệt may, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hải quan về những dự định cho năm 2017.
Năm 2016 được đánh giá là năm nhiều khó khăn của các doanh nghiệp dệt may. Vậy năm 2017, tình hình có sáng sủa hơn không, thưa bà?
Đúng vậy! Năm 2016, ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn và năm 2017 sẽ còn khó khăn hơn. Khó khăn này đến từ việc các hiệp định dự kiến được ký kết như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP không còn hy vọng. Cùng với đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đến từ các thị trường khác như: Campuchia xuất khẩu vào châu Âu với thuế 0%, Bangladesh và Myanmar cũng vậy, trong khi Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu thuế suất thấp nhất là 9,6%, có những mặt hàng còn cao hơn.
Không chỉ vậy, ở trong nước, lương tối thiểu tăng từ năm 2016 với mức tăng hơn 12% và năm 2017 cũng tăng hơn 7%, chưa kể những mặt hàng nhu yếu phẩm khác cũng tăng. Như vậy, có thể nói, năm 2017 ngành dệt may Việt Nam đối diện với thách thức kép.
Trong bối cảnh đó, May 10 có giải pháp gì để vượt qua khó khăn này?
Giải pháp của May 10 không mới, vẫn là tập trung vào 5 chữ tự: Tự giác, tự chủ, tự lực, tự cường, tự cứu mình. Nếu không tự mình lo thì kịch bản đóng cửa rất dễ xảy ra.
Theo đó, mỗi công nhân hãy tự giác làm tốt công việc của mình, chủ động trong mọi hoạt động, không ỉ lại, ngồi chờ, mỗi người tự chủ, tiết kiệm được nhiều thời gian lãng phí và làm nhiều sản phẩm. Doanh nghiệp tự chủ động về nguồn cung, thời gian cung ứng cho khách hàng, đầu tư thiết bị công nghệ giảm tối đa sức lao động của người lao động và giảm chi phí thấp nhất để cạnh tranh được.
Với khó khăn kép đã được nhận định, giải pháp của May 10 là tiết kiệm. Ảnh: Phan Thu. |
Tuy nhiên tôi vẫn muốn nhấn mạnh đến giải pháp tối quan trọng phải thực hiện ngay, lâu dài là tiết kiệm như tiết kiệm thời gian, tận dụng ánh sáng thiên nhiên, tiết kiệm nước… Nếu không làm như vậy, không tiết kiệm, không có tiền thì chúng ta “chết” trước khi cơ hội đến.
Có nhiều doanh nghiệp dệt may đóng cửa, bài học rút ra của doanh nghiệp là gì để đứng vững trên thị trường?
Các doanh nghiệp đóng cửa do nhiều nguyên nhân nên tôi không tập trung vào vấn đề đó. Điều tôi muốn nói đến là những người lao động trong doanh nghiệp. Chỉ khi nào người lao động coi doanh nghiệp như là ngôi nhà thứ 2 của họ thì doanh nghiệp mới tồn tại.
Được biết, năm 2015, May 10 đã được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan. Việc này tạo thuận lợi như thế nào cho doanh nghiệp?
Trong các cơ chế chính sách, việc được công nhận là doanh nghiệp là chính sách tạo thuận lợi tốt nhất cho doanh nghiệp. Từ khi được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên, thời gian giao hàng, cũng như nhận hàng của doanh nghiệp được rút ngắn. Như tôi đã nói, thời gian giao hàng không nhanh, doanh nghiệp phải vận chuyển bằng máy bay thì sẽ lỗ.
Song chính sách này cần xem lại. Hiện một số tiêu chí để doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ưu tiên đã thay đổi và doanh nghiệp Việt đã được công nhận nhưng làm sao để số doanh nghiệp này được công nhận nhiều hơn. Trước khi May 10 được công nhận thì toàn doanh nghiệp FDI được công nhận. Điều đó khiến cho các doanh nghiệp FDI đã mạnh lại càng mạnh, còn các doanh nghiệp trong nước công nghệ đã thua, thị trường yếu lại càng yếu hơn.
Bên cạnh những thuận lợi như bà nói, trong quá trình thực hiện “chế độ” này, doanh nghiệp có còn gặp khó khăn gì?
Khó khăn thì không có nhưng chúng tôi kiến nghị rằng, cần có hướng dẫn việc thực hiện sau 3 năm như thế nào (doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên 36 tháng- PV). Sau 3 năm “sướng” lại 3 năm khổ thì không ổn.
Xin cảm ơn bà!
Theo Quyết định 2659/QĐ-TCHQ ban hành Quy trình thẩm định điều kiện công nhận doanh nghiệp ưu tiên, áp dụng chế độ ưu tiên, quản lý doanh nghiệp ưu tiên theo quy định tại Thông tư 72/2015/TT-BTC, chậm nhất trong vòng 60 ngày đến thời hạn gia hạn chế độ ưu tiên, Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện rà soát thông tin, đánh giá lại doanh nghiệp. Nội dung công việc gồm: |