Độ bao phủ BHXH mới khoảng 25% lực lượng lao động
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc năm 2007 xấp xỉ 7 triệu người; năm 2016 gần 13 triệu người, tăng 84,6% so với năm 2007. Năm 2007 (năm Luật BHXH có hiệu lực thi hành) có tốc độ tăng so với năm trước cao nhất (21%), sau đó các mức tăng này chỉ dao động khoảng 7%/năm trong cả giai đoạn 2008 - 2016.
Trước đó, năm 1995, số người tham gia BHXH chiếm 7,8% lực lượng lao động, tương đương với 8,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Năm 2016, số người tham gia BHXH chiếm gần 24% lực lượng lao động, tương đương gần 28% số người trong độ tuổi lao động; năm 2017, con số tham gia chiếm khoảng 25% lực lượng lao động. Tính đến hết tháng 5/2018, tổng số người tham gia BHXH khoảng 14 triệu người. Trong đó, số đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 13,79 triệu người; BHXH tự nguyện là 240.000 người. Tổng số đối tượng tham gia BHXH đến hiện tại vẫn chỉ chiếm khoảng trên 25% lực lượng lao động.
Theo bà Đinh Thị Thu Hiền - Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ mở rộng diện bao phủ BHXH thời gian qua còn chậm là do Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc như: chủ hộ kinh doanh cá thể và người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Theo quy định của pháp luật về BHXH thì trước năm 2018, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng chưa thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên trước năm 2018, những người lao động làm việc theo hình thức hợp đồng này chưa tham gia BHXH.
Bên cạnh các nguyên nhân thuộc về chính sách còn có các nguyên nhân về tổ chức thực hiện như: chưa có hình thức giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp cho các địa phương nên các địa phương chưa quyết liệt phát triển đối tượng. Tính tuân thủ pháp luật BHXH chưa cao, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH thời gian qua tuy đã được tăng cường và đạt được kết quả khả quan nhưng chưa đáp ứng yêu cầu…
Sửa đổi pháp luật về BHXH theo hướng linh hoạt
Theo bà Hiền, để mở rộng diện bao phủ BHXH, tiến tới BHXH toàn dân cần tính tới giải pháp đồng bộ, toàn diện. Trong đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH. Theo đó, bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Theo tính toán, khi thực hiện quy định bắt buộc với nhóm đối tượng này, sẽ khai thác được khoảng 3,7 triệu chủ hộ kinh doanh cá thể có đăng ký kinh doanh trong số hơn 5 triệu chủ hộ kinh doanh cá thể; khoảng trên 400.000 người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, cũng cần sửa đổi pháp luật về BHXH theo hướng linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân khi hết tuổi lao động đều được hưởng lương hưu, như giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH được hưởng lương hưu xuống từ đủ 10 năm đến dưới 20 năm cũng được hưởng lương hưu; sửa đổi, bổ sung chế độ BHXH tự nguyện như tăng mức hỗ trợ của nhà nước trong trường hợp một hộ có nhiều người tham gia (kinh nghiệm của BHYT hộ gia đình), gắn kết với điều kiện hưởng ưu đãi của nhà nước đối với các chế độ như trợ cấp hàng tháng đối với người cao tuổi, hỗ trợ BHYT. BHXH Việt Nam cho rằng, giải pháp này mang tính bền vững để khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống để được hưởng lương hưu và hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống...
Về các giải pháp tổ chức thực hiện chính sách BHXH, bà Hiền cho rằng, cần phải giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH đến các địa phương; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH để hạn chế trốn đóng, tránh đóng BHXH. Bên cạnh đó, đơn giản hóa quy trình, thủ tục tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, hướng đến việc rút ngắn tối đa thời gian thực hiện các thủ tục BHXH. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động, trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện thông qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng... Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế, giải pháp đồng bộ, liên thông giữa công tác quản lý lao động - việc làm, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế với quản lý BHXH để bảo đảm mọi cá nhân bước vào độ tuổi lao động, bắt buộc đăng ký vào hệ thống quản lý BHXH để nhận diện, khi người lao động làm việc có thu nhập thì đóng BHXH để tăng diện bao phủ…
Hà My