Mỗi giáo viên nộp 5 triệu đồng để làm... quỹ công đoàn Theàntrảtiềnthusaiquyđịnhchogiáoviênvùngkhókhătrận nanteso Nghị định 116/2010/NĐ-CP quy định về trợ cấp cho công chức, viên chức những xã thuộc vùng bãi ngang, ven biển, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, 52 giáo viên của Trường THPT Trà Bồng (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) - khu vực đặc biệt khó khăn được truy lĩnh số tiền trợ cấp khá lớn. Được biết, tổng số tiền truy lĩnh đợt này của các giáo viên trường Trà Bồng là 2,6 tỉ đồng cho 27 tháng công tác, từ 1/10/2011 đến nay. Tuỳ theo thâm niên công tác, trung bình mỗi giáo viên được nhận khoản tiền từ 50 - 60 triệu đồng, một số người được gần 100 triệu. Tuy nhiên, theo phản ánh trên báo chí, các thầy cô cho biết khi tiền chưa về đến tay thì bị nhà trường trừ bình quân mỗi người 5 triệu đồng để... liên hoan cuối năm, mua quà biếu. Để làm rõ thông tin về vụ việc này, PV TBTCVN đã đến gặp ông Đỗ Ngọc Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Trà Bồng. Tại đây, ông Đỗ Ngọc Đức giải thích: Sau khi 100% giáo viên đồng ý trích lại tiền theo kêu gọi của công đoàn trường, chúng tôi đã thống nhất thu 5 triệu đồng/người. Tổng số tiền thu được 260 triệu đồng và được nộp vào tài khoản của trường. Chúng tôi đã làm rất minh bạch, có lập biên bản ký xác nhận".
Lý giải về mục đích sử dụng số tiền này, ông Đức nói: Là một trường miền núi, công quỹ có hạn. Hàng năm, chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động tham quan, hội nghị... nên công đoàn kêu gọi cán bộ giáo viên tạo quỹ phúc lợi để phục vụ cho chính cán bộ trong trường. Đồng thời, tạo quỹ khuyến học, hỗ trợ cho học sinh nghèo...Đây là số tiền anh em mong chờ trong 2 năm nay, khi được lĩnh cũng muốn tổ chức liên hoan cuối năm, mời cán bộ các phòng ban trong huyện đến cùng chia sẻ niềm vui. Bên cạnh đó, trong 5 năm tới, hàng tháng, cán bộ giảng viên vẫn tiếp tục nhận được tiền hỗ trợ theo Nghị định 116.
Về phía giáo viên, anh Nguyễn Văn Tâm - giáo viên của trường, cho biết, đây là đề xuất của Ban chấp hành công đoàn trường, hoàn toàn đảm bảo tính dân chủ vì các tổ, giáo viên đã cùng thảo luận với nhau và đi đến thống nhất tự nguyện đóng số tiền đó, không hề có sự ép buộc. "Bản thân tôi cũng thấy, đóng quỹ sẽ thực hiện được nhiều mục đích, trong đó, ý nghĩa nhất là khuyến học, tạo động lực cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tham quan, hoạt động chuyên môn cho anh em", anh Tâm nói.
Vi phạm quy định về quản lý tài chính
Trước những thông tin được đăng tải trên báo chí vào ngày 15/1, ngay hôm sau (16/1), Chủ tịch huyện Trà Bồng, ông Nguyễn Xuân Bắc đã làm việc với Trường THPT Trà Bồng. Ông Bắc cho hay: Việc thực hiện thu số tiền 5 triệu đồng/giáo viên của trường là hoàn toàn khách quan. Toàn bộ số tiền thu được vẫn đang nằm trong tài khoản của nhà trường, chưa sử dụng vào việc gì. Mặc dù được sự đồng ý và thống nhất tự nguyện của 52 giáo viên, nhưng việc thu một khoản tiền lớn như vậy là không đúng với quy định về quản lý tài chính.
"Chúng tôi đã chỉ đạo nhà trường nhanh chóng hoàn trả toàn bộ số tiền cho giáo viên từ ngày 16-17/1", ông Bắc kiên quyết.
Sau khi UBND huyện chỉ đạo, Ban giám hiệu Trường THPT Trà Bồng đã cùng với công đoàn trường đã hoàn tất việc trả lại số tiền đã thu cho 52 giáo viên.
Kết luận vụ việc này, Chủ tịch huyện Trà Bồng đánh giá: Số tiền được kêu gọi thu xuất phát từ tình cảm nội bộ trong trường và tâm nguyện của giáo viên. Tiền vẫn nằm trong tài khoản của trường chứ chưa sử dụng vào mục đích gì. Nên UBND huyện chỉ đạo trả lại tiền cho giáo viên đồng thời nhắc nhở nhà trường rút kinh nghiệm, không xử lý cá nhân. Đây quả thực là bài học không nên chủ quan với quy định về quản lý tài chính./.
Tố Uyên