Vị trí và đường đi của cơn bão số 3. Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia |
Chiều 31/7, nhận định về cơn bão số 3, có tên gọi quốc tế là cơn bão Wipha, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho biết các phân tích về dự báo bão số 3 hiện nay đang có sự khác biệt khá lớn về vị trí cũng như cường độ bão ở thời điểm hiện tại, cũng như những ngày tới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khả năng cao nhất là bão di chuyển về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sau đó mới di chuyển xuống vịnh Bắc Bộ. Dự báo khi tiến vào vịnh Bắc Bộ, cường độ bão sẽ tiếp tục mạnh hơn. Hiện nay khả năng cao nhất của bão số 3 là đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ.
Tuy nhiên vẫn kịch bản khác, khả năng là bão số 3 sẽ di chuyển dọc biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như có thể men theo khu vực ven biển di chuyển xuống khu vực Bắc Bộ, cụ thể là đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá.
“Dù có nhiều kịch bản khác nhau về cường độ, quỹ đạo, nhưng có thể khẳng định bão gây ra đợt mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc bộ”, TS Hoàng Phúc Lâm cho biết.
TS Hoàng Phúc Lâm cũng cho biết thêm, mưa lớn do ảnh hưởng bão số 3 sẽ bắt đầu từ khu vực Đông Bắc, sau đó mưa mở rộng dần ra khu vực các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc và mở rộng đến khu vực các tỉnh Thanh Hóa đến Nghệ An.
Cũng theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa to nhất tập trung vào đêm 2/8 và cả ngày 3/8. Mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn có thể gây ra lũ quét và sạt lở đất vùng núi phía Bắc, đặc biệt là khu vực dọc theo dãy Hoàng Liên Sơn và gây ngập úng ở đồng bằng, đô thị tại các khu vực nói trên.
Theo bản tin lúc 17 giờ của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 16 giờ ngày 31/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 112,6 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 140 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km, khoảng chiều 1/8 sẽ đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 1/8, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 210 km, cách Nam Định khoảng 320 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 90 km/giờ), giật cấp 12.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 109,0 độ Kinh Đông.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5 - 10 km. Đến 16 giờ ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 107,4 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9 (60 - 90 km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đổi hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 11; sóng biển cao 3,0 - 5,5m; biển động rất mạnh.
Từ sáng 1/8, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6, từ chiều và đêm mai tăng lên cấp 7 - 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 12. Sóng biển cao từ 3 - 5 m. Biển động rất mạnh.
Cảnh báo mưa lớn: Từ chiều 1/8 ở phía Đông Bắc Bộ có mưa dông kèm khả năng lốc xoáy và gió giật mạnh. Từ đêm 1/8 đến ngày 4/8, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100 - 300 mm/đợt, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn 200 - 400 mm/đợt); ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to (lượng mưa 50 - 150 mm/đợt).
Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 - 5 m. Mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng đạt báo động (BĐ)2, thượng lưu sông Lô đạt mức BĐ1 - BĐ2, thượng lưu sông Thái Bình đạt mức BĐ1; các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An dưới BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.