Tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm một lần duy nhất với 48 chức danh chủ chốt của bộ máy nhà nước.
Tại phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi nhắc đến nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đưa ra đề nghị các ĐBQH dành thời gian cho các nội dung của kỳ họp chứ không tập trung “giao lưu, tiệc tùng” để đảm bảo chất lượng kỳ họp.
Chia sẻ quan điểm trước đề nghị này, ĐB Đỗ Văn Sinh cho rằng: Khi đánh giá tín nhiệm thì quan trọng nhất là ĐBQH phải lấy thước đo phục vụ nhân dân, hiệu quả hoạt động của những vị được lấy phiếu mang lại tiến bộ gì so với giai đoạn trước, hoặc còn những hạn chế gì chưa giải quyết được.
Còn việc tổ chức “lobby” tức là mời mọc giao lưu, liên hoan tiệc tùng thì không mang ý nghĩa gì cả và theo tôi cũng không nên làm thế vì cử tri, nhân dân sẽ nhìn vào, đặt câu hỏi tại sao ông này được phiếu cao, phải chăng là do ông chịu khó đi “mời mọc, lobby” nhiều. Cái đại biểu đánh giá là trên cơ sở kết quả hoạt động của cán bộ. Do đó, ông Sinh bày tỏ rất tán thành với lời nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội.
Cho biết về việc cung cấp thông tin cho ĐBQH trước khi bỏ phiếu tín nhiệm, ĐB Đỗ Văn Sinh nêu: Rút kinh nghiệm của các lần trước, các cơ quan của Quốc hội đã rất thận trọng, cách đây khoảng 2 tuần đã gửi đến toàn bộ các ĐBQH báo cáo hoạt động của các chức danh sẽ được lấy phiếu kỳ này.
“Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một kênh thông tin, còn yếu tố khác rất quan trọng là đánh giá của các ĐBQH trong quá trình giám sát. Quá trình tổ chức thực hiện của các vị này sẽ được Quốc hội đánh giá tín nhiệm kỳ này trong hơn 2 năm vừa qua” – ông Sinh nói.
Trả lời câu hỏi “nguyên tắc nào để cân đo mức tín nhiệm khi diện chức danh được lấy phiếu rất rộng và không phải ai cũng được ĐBQH tiếp xúc, nắm sâu thông tin”, ông Sinh nhấn mạnh: Bỏ phiếu tín nhiệm là trách nhiệm của các ĐBQH và trách nhiệm này là ngang nhau với mỗi ĐB, thể hiện bằng 1 lá phiếu. Vậy nên cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các ĐBQH.
“Anh phải nâng cao hơn nữa nhận thức, nắm bắt được toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm. Để giải quyết 1 vấn đề trong xã hội không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của các vị được lấy phiếu tín nhiệm mà đó là trách nhiệm của cả hệ thống, cả xã hội. Đánh giá năng lực của một cán bộ lãnh đạo phải thông qua việc người đó giải quyết việc đó như thế nào, tiến bộ đạt được trong lĩnh vực quản lý của mình. Ví dụ như chống tham nhũng, toàn Đảng, toàn dân phải vào cuộc nhưng sao nó vẫn diễn ra, vì đó là một vấn nạn mà ta phải tiếp tục nhưng quan trọng là việc đó có được đẩy lùi hay không” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định.
Cũng theo ông Sinh, cần nhìn vào kết quả cuối cùng của lĩnh vực mà bộ trưởng phụ trách xem nó có tiến bộ không hay thụt lùi so với trước. Kết quả cuối cùng nó thể hiện một cách tổng quát, từ xây dựng thể chế tới tổ chức điều hành. Tổ chức điều hành có thể là trên tầm vĩ mô, cũng có thể là những việc rất cụ thể, ở tầm vi mô, Nhưng chốt lại, kết quả cuối cùng sẽ là thước đo hiệu quả hoạt động của vị bộ trưởng đó.