Hai ngành sản xuất không phải nộp phí Theo Bộ Tài chính, về bản chất, thuế môn bài hiện hành là khoản thu nhằm kiểm kê, kiểm soát số lượng cơ sở có hoạt động kinh doanh, không phân biệt là có đăng ký kinh doanh hay không đăng ký kinh doanh. Thực tế hiện có khá nhiều cửa hàng đang kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh. Hiện nay, các địa phương có thu thuế môn bài đối với đối tượng này. Vì vậy, để bao quát tất cả các đối tượng có kinh doanh trong thực tế, Bộ Tài chính đề xuất quy định đối tượng nộp lệ phí tại dự thảo Nghị định gồm: Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Tài chính cho biết, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Để phù hợp với hiệu lực thi hành của Luật Phí và lệ phí, Bộ Tài chính dự thảo quy định hiệu lực thi hành của Nghị định từ ngày 01/01/2017. Đồng thời, bãi bỏ Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2002 của Chính phủ về việc điều chỉnh mức thuế môn bài. Về đối tượng không phải nộp lệ phí, Bộ Tài chính đề xuất không thu lệ phí môn bài đối với hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân thực hiện đăng ký hộ kinh doanh hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Đồng thời, để khuyến khích ngư dân bám biển và phát triển sản xuất 02 ngành nghề sản xuất còn nhiều khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất quy định không thu lệ phí môn bài đối với hộ sản xuất muối; nuôi trồng thuỷ, hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Ngoài ra, để tránh vướng mắc khi triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất quy định không thu lệ phí đối với văn phòng đại diện không có hoạt động kinh doanh vào dự thảo Nghị định. Mức thu đảm bảo công bằng cho đối tượng nộp Cũng theo Bộ Tài chính, mức thu lệ phí môn bài, hiện đã có quy định tại Điều 1 Nghị định số 75/2002/NĐ-CP. Tuy nhiên Bộ Tài chính cho biết, về bản chất, lệ phí môn bài là khoản thu nhằm kiểm đếm số doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hằng năm (kể cả số có đăng ký kinh doanh và không đăng ký kinh doanh). Do đó lệ phí này không giống như lệ phí đăng ký doanh nghiệp đang thực hiện theo quy định tại NĐ 43/2010/NĐ-CP, do đó về mức thu là khác nhau giữa 2 loại lệ phí này. Cùng với đó, số thu NSNN từ thuế môn bài khoảng 1.700 tỷ đồng/năm. Trong quá trình thảo luận xây dựng Luật Phí và lệ phí, Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội cho rằng việc chuyển từ thuế môn bài sang lệ phí môn bài là đúng với bản chất của một khoản thu lệ phí; đồng thời cần bảo đảm nguồn thu như hiện hành. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề xuất quy định mức thu lệ phí môn bài theo đối tượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Cụ thể, đối với doanh nghiệp, có 4 mức: Vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (doanh nghiệp lớn): 10 triệu đồng; vốn đăng ký từ 10 tỷ đến 100 tỷ đồng (doanh nghiệp vừa và nhỏ): 5 triệu đồng; vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng: 3 triệu đồng (bằng mức cao nhất hiện nay); đối với các chi nhánh, các cửa hàng trực thuộc: 2 triệu đồng. Đối với cá nhân kinh doanh, hộ cá thể kinh doanh (2 mức): doanh thu trên 300 triệu đồng/năm: 1 triệu đồng. Doanh thu từ 100 đến 300 triệu đồng/năm: 0,3 triệu đồng. Doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, không thuộc đối tượng nộp lệ phí Với mức thu trên, theo Bộ Tài chính, sẽ bảo đảm công bằng và phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp chia theo quy mô nguồn vốn đăng ký: mức thu cao đối với doanh nghiệp có vốn đăng ký lớn và mức thu thấp hơn đối với doanh nghiệp có vốn đăng ký nhỏ; đối với hộ, cá nhân kinh doanh, phân biệt theo doanh thu, phù hợp với khả năng đóng góp. Cũng theo Bộ Tài chính, số thu dự kiến khoảng 2.685 tỷ đồng, bảo đảm tăng thu NSNN so với hiện hành. Về quản lý sử dụng, dự thảo Nghị định quy định cơ quan thu lệ phí môn bài nộp 100% tổng số tiền lệ phí thu được vào NSNN theo Mục lục NSNN. Khắc phục hạn chế trong chính sách hiện hành Trước đó theo Bộ Tài chính, thuế môn bài hiện được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2002 của CP và Thông tư số 96/2002/TT-BTC ngày 24/10/2002; Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 7/5/2003 của BTC. Thuế môn bài được thu theo 02 đối tượng với mức thu khác nhau. Tổ chức kinh doanh nộp thuế môn bài theo 4 bậc, căn cứ vào vốn đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư. Hộ cá nhân kinh doanh cá thể nộp thuế môn bài theo 6 bậc căn cứ vào mức thu nhập trên tháng. Theo quy định về quản lý thuế hiện nay, thuế môn bài là loại thuế kê khai và nộp theo năm, thời gian kê khai chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm. Đối với các hộ kinh doanh không thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, không xác định được chính xác thu nhập trên tháng thì trong những tháng cuối năm Cục thuế các tỉnh, thành phố phải rà soát nắm lại toàn bộ cơ sở có hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn, điều tra thu nhập thực tế để phân loại và xếp bậc môn bài theo quy định. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chính sách thuế môn bài thời gian qua, có một số tồn tại, vướng mắc. Cụ thể, mức thu môn bài đối với tổ chức kinh tế được xác định căn cứ vào vốn đăng ký kinh doanh về cơ bản là không có vướng mắc. Tuy nhiên, đối với hộ kinh doanh cá thể phần lớn nộp thuế theo phương pháp khoán, không thực hiện đầy đủ chế độ sổ sách, hóa đơn chứng từ, không hạch toán được kết quả sản xuất kinh doanh thì mức thu thuế môn bài lại quy định gồm 6 mức căn cứ vào thu nhập trên tháng. Hàng năm cơ quan thuế phải tốn nhiều thời gian cho công tác điều tra doanh số, chi phí hành thu cao. Thứ hai, về bản chất thuế môn bài là một khoản lệ phí, nhằm kiểm kê kiểm soát số lượng cơ sở có hoạt động kinh doanh trong năm. Tuy nhiên, mức thu môn bài khu vực hộ kinh doanh gồm 6 mức tùy thuộc thu nhập trung bình 1 tháng, gây nhiều khó khăn cho cả người nộp thuế, cơ quan thuế trong việc xác định mức nộp dẫn đến bỏ sót thuế, không phát huy được hết chức năng kiểm đếm số lượng cơ sở kinh doanh. Thứ ba, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân, cá nhân có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng thì không phải nộp thuế thu nhập cá nhân, nếu có 02 người phụ thuộc thì thu nhập dưới 16,2 triệu đồng/tháng cũng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Trong khi đó theo bậc môn bài hiện hành hộ kinh doanh có thu nhập 300.000 đồng cũng phải nộp thuế môn bài. Như vậy quy định vê mức thu nhập để phân bậc môn bài hiện hành của hộ kinh doanh không còn phù hợp với tình hình thực tế. Thứ tư, mức môn bài hiện hành khi xây dựng căn cứ theo mức lương tối thiểu năm 2002 là 290.000 đồng/tháng. Hiện nay, mức lương tối thiểu đã lên 1.150.000 đồng (từ 1.5.2016 lên mức 1.210.000 đồng). Do đó, việc xác định bậc thuế môn bài hiện nay không phù hợp với sự thay đổi của tiền lương./. Hoàng Lâm |