Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020”, diễn ra ngày 17/12, tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp với các tập đoàn phân phối nước ngoài có hiện diện tại Việt Nam tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể là năng lực sản xuất, năng lực phát triển sản phẩm, năng lực tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương… nhằm đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài. Tại hội nghị, Bộ Công thương cùng các tập đoàn phân phối đã ra mắt Bộ cẩm nang hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào một số hệ thống phân phối là đối tác của đề án. Bộ cẩm nang cung cấp những thông tin cơ bản, hữu ích về từng hệ thống cũng như giới thiệu quy trình lựa chọn nhà cung cấp, các yêu cầu, tiêu chuẩn của một số mặt hàng khi xuất khẩu vào từng hệ thống phấn phối như Aeon, Decathlon, Lotte, Centre Retail, Mega Market. Thực hiện đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2020” đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp một phần không nhỏ vào việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước trên thế giới. Đặc biệt, nhận thức của các doanh nghiệp Việt về mô hình kinh doanh mới đã ngày càng rõ nét, sâu sắc hơn. Từ đó, doanh nghiệp đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế một cách kịp thời, phát triển được các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong các chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Đáng chú ý, với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, nông sản, thực phẩm, đồ gia dụng, nội thất, dệt may thương hiệu Việt Nam đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới. “Kết quả trên thực tế đã cho thấy, xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững đối với hàng hóa Việt Nam” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh. Tại hội nghị, báo của của Bộ Công thương cũng cho thấy một tín hiệu tích cực, đó là hệ thống phân phối nước ngoài đã hợp tác chặt chẽ với một số địa phương, vừa thúc đẩy kim ngạch hàng xuất khẩu Việt Nam trong hệ thống của tập đoàn ở nước ngoài, vừa hướng đến mục tiêu xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất khẩu, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững. Điển hình như sự hiện diện tích cực của các nhà phân phối bán lẻ lớn nhất như WalMart, AEON, Central Retail, Lotte, Mega Market,… đã cho thấy mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại ngày càng phát triển giữa Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Qua đó, chúng ta cũng khẳng định được sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam trong vai trò là thị trường bán lẻ, là nguồn cung quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, các địa phương lựa chọn doanh nghiệp điển hình để hỗ trợ tham gia vào hình thức xuất khẩu trực tiếp. Trong đó, bộ tập trung giúp doanh nghiệp ổn định hệ thống cung ứng và thị trường tiêu thụ trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị xáo trộn, đứt gãy do ảnh hưởng từ đại dịch Covid - 19./. Tố Uyên |