Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm ở một số tỉnh trong vùng,ảnhgiccaovớicmgiacầnhận định bóng đá uc ngành chức năng ở các địa phương trong tỉnh đang đề cao cảnh giác thông qua việc chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng bệnh cần thiết.
Nhiều giải pháp phòng, chống cúm gia cầm đang được các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ.
Thời điểm này, những đàn vịt chạy đồng bắt đầu kéo về địa bàn huyện Long Mỹ để tìm nguồn thức ăn trên các cánh đồng đã thu hoạch. Vì thế, công tác quản lý đàn càng được siết chặt. Theo đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện đã tăng cường cán bộ xuống địa bàn để kịp thời kiểm tra những đàn vịt từ nơi khác tới, nhất là ở các xã tiếp giáp. Nếu phát hiện trường hợp lưu trú nhưng không xuất trình được giấy tờ cần thiết theo quy định như: giấy chứng nhận kiểm dịch, giấy phép vận chuyển, giấy chứng nhận tiêm phòng… sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn.
Mặt khác, để công tác phòng bệnh đi vào chiều sâu, ngành chuyên môn huyện Long Mỹ đang tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức hộ chăn nuôi với phương châm “phòng bệnh là chính”. Đồng thời, khuyến cáo người dân chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, tiêm phòng đúng lịch và cảnh giác cao với bệnh cúm gia cầm. Ông Phạm Văn Chính, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Long Mỹ, cho biết: “Hiện chúng tôi đã cấp phát tờ rơi và tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, góp phần giúp bà con nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác phòng bệnh trong chăn nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm”.
Cũng theo ông Chính, thông qua công tác tuyên truyền, cơ quan chuyên môn của huyện có thể khuyến cáo, hướng dẫn người dân biện pháp xử lý đúng khi có gà, vịt chết, tuyệt đối không vứt xác gia cầm bừa bãi xuống các kênh, rạch gây ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh. Ngoài ra, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện thường xuyên bố trí cán bộ đi thực tế xuống các xã, nếu phát hiện có xác gia súc, gia cầm trên kênh, rạch thì kết hợp với địa phương nhanh chóng trục vớt, tiêu hủy, xử lý để tránh ô nhiễm môi trường.
Theo thống kê, hiện lực lượng thú y của huyện Long Mỹ đã tiêm phòng cúm cho trên 16.400 con gia cầm. Trong đó, có trên 5.700 con gà và 10.700 con vịt. Ngoài việc tiêm phòng, cán bộ thú y cơ sở còn lồng ghép hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi thường xuyên để gia cầm có điều kiện sống tốt, hạn chế tối đa sự phát triển của mầm bệnh. Bên cạnh các giải pháp phòng bệnh cúm gia cầm đang được triển khai, hiện lĩnh vực kiểm soát giết mổ, kiểm soát vận chuyển gia cầm cũng được các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc.
Tại huyện Phụng Hiệp, hiện vẫn còn một số lò giết mổ nhỏ lẻ không đủ điều kiện vệ sinh thú y đang hoạt động nên đã gây khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, trong tháng 3 tới, ngành chức năng của huyện sẽ tiến hành các thủ tục giải thể 5 lò giết mổ gia cầm nhỏ lẻ để từng bước đưa công tác giết mổ gia súc, gia cầm đi vào nề nếp theo quy hoạch cơ sở giết mổ của huyện. Nhưng trước mắt, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phụng Hiệp sẽ tăng cường kiểm tra việc mua bán, vận chuyển gia cầm tại các chợ, nhất là ở các lò giết mổ tập trung.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phụng Hiệp, thông tin: “Trong công tác kiểm soát giết mổ, chúng tôi đang tăng cường đôn đốc, nhắc nhở mạng lưới thú y cơ sở, cộng tác viên, làm đúng vai trò trách nhiệm của mình. Thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các điểm giết mổ mua bán gia cầm có nguồn gốc rõ ràng và giấy vận chuyển đối với gia cầm ở ngoài tỉnh, giấy chứng nhận tiêm phòng nếu gia cầm ở tại địa phương”.
Sau khi khống chế thành công ổ dịch cúm gia cầm ở xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, ngành chức năng Hậu Giang càng cảnh giác hơn với bệnh cúm gia cầm. Đến nay, hàng loạt giải pháp cần thiết đã và đang được các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nhằm chủ động phòng bệnh một cách có hiệu quả nhất.
Bài, ảnh: KỲ ANH