当前位置:首页 > La liga

【ban xep hang bong da tbn】Trên tuyến đường sụp lở

Báo Cà Mau(CMO) Cà Mau bước vào mùa mưa sau một cơn đại hạn kinh hoàng.

Nhớ hôm 18/2, thời điểm đê biển Tây sụp lún một đoạn dài hơn 120 m, đi tuyến đường từ thị trấn Trần Văn Thời vòng qua Trần Hợi - Cơi 5 đến Đá Bạc xuống hiện trường vụ việc, tôi có nói với bạn đồng nghiệp: “Tuyến đường gì đâu mà nứt nẻ, trồi sụt quá chừng, cứ cảm giác như có thể sụp xuống bất cứ lúc nào”.

Quả vậy, từ đó đến nay, khi các trận mưa đầu mùa trút xuống, cung đường ấy đã trở thành nỗi ám ảnh với tất cả mọi người bởi hàng loạt điểm sụp lở. Hôm phỏng vấn Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn về tình hình hạn hán, sụp lở trên địa bàn, anh cũng có nhắc tới chuyện sau nắng lâu là mưa dữ. Hạn hán sụp lún đã rồi, nhưng vô đầu mùa mưa, đất hút nước, xốp tơi, rã bời, cứ theo mí của các điểm sụp lún sẽ càng sạt lở dữ dội hơn. Vậy là tôi làm một chuyến đi từ thị trấn Trần Văn Thời, vòng xuống Trần Hợi, ra Cơi 5 rồi quẹo sang Co Xáng. Trước tình trạng sụp lở liên tiếp, nghiêm trọng, tuyến đường này đã được các ngành chức năng và địa phương cảnh báo nguy hiểm khi lưu thông qua lại.

Chưa đi hết địa bàn thị trấn, điểm sụp lún thứ nhất khiến nửa mặt lộ nhựa đứt toác, tụt sâu xuống mé kênh khô nước đã đập vào mắt. Anh Nguyễn Minh Hải, ngụ Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời, nhà đối diện với chỗ sụp, kể lại: “Cũng hơn tháng rồi. Nó sụp ngay buổi trưa. Trong nhà tôi thấy cây bằng lăng rung rinh, rồi sụp xuống ào ào, tưởng đứt luôn con đường rồi”. Ngó tới lui, anh Hải chỉ: “Mấy anh coi, ngó chỗ nào đường cũng trồi sụt, nứt nẻ hết, không biết sụp xuống lúc nào nữa. Bà con ở quanh đây ai cũng lo hết, sụp tới nữa là rớt nhà xuống kênh luôn”.

Hiện trường vụ sụp lún hoàn toàn tại Ấp 2, xã Trần Hợi khiến 3 người bị thương, phải làm đường tạm cho người dân lưu thông.

Cung đường này chúng tôi qua lại không biết bao nhiêu lần, bao nhiêu năm, nhưng quả thật chuyến đi này đầy lo âu. Từ thị trấn Trần Văn Thời về Co Xáng không một mét lộ nhựa nào còn nguyên vẹn. Chỗ không sụp xuống kênh thì co quắp, u nần, không nứt toác hai bên mé lộ thì bị đứt sâu chạy ngay tim lộ. Lâu lâu có chiếc xe tải nhỏ chạy ngang, cảm giác cả con đường run bần bật. Cả tuyến đường biến dạng, chực chờ rơi xuống. Thấy tôi loay hoay chụp ảnh, ông Huỳnh Văn Luận, Ấp 10A, xã Trần Hợi, ra bắt chuyện: “Chụp lộ sụp hả? Đi hết tuyến này chụp mệt nghỉ à nghen”. Ông Luận chỉ tay xuống bến, nơi có vạt đất ngấm mưa đầu mùa đã trôi tuột xuống mà âu lo: “Nó lở tới thân lộ rồi, mưa vài trận nữa chắc là đi luôn khúc lộ này”.

Ban đầu chuyện sụp lộ khiến nhiều người trên cung đường này hốt hoảng, sau đó mọi chuyện trở nên “bình thường”, nói như chị Lê Cẩm Liên, Ấp 10A, xã Trần Hợi: “Trước nhà tôi nè, sụp đâu phải 1 lần mà 2 lần luôn”. Chị Liên thuật lại, sự việc lộ sụp diễn ra ban ngày, mới đầu một đoạn cỡ 10 m, sau đó tiếp tục sụp một đoạn hơn 10 m nữa. Lộ sụp xuống kênh từ từ, rớt từng mảng đất lớn rồi nuốt dần lộ nhựa. Nhiều bà con còn quay được cảnh đất, đường rớt xuống sông. Đâu chỉ vậy, khi lực lượng đến lấp đất, cắm kè tạm để khắc phục lưu thông, ngăn chặn việc sụp lở tiếp, qua một trận mưa, chỗ đất lấp mới sụt xuống gần nửa mét, ai thấy cũng lắc đầu ngán ngại. Cách đó một đoạn hơn 20 m, lại là điểm sụp lún khác, làm đứt nửa mặt lộ. Nhìn những biển cảnh báo, cây cặm, dây văng ngổn ngang... quanh hiện trường mà chúng tôi nổi da gà, bởi đâu biết tai hoạ ập tới lúc nào.

Ông chủ cây xăng Ngọc Cảnh (Đoàn Ngọc Cảnh), Ấp 1, xã Trần Hợi tả lại chi tiết vụ sụp lộ sát cơ sở kinh doanh của mình: “Đâu cỡ 7 giờ tối, vợ chồng tôi còn bán xăng, nghe cái hì, thấy cây cối phía đó liệt bổ xuống, chạy lại thì rớt luôn khúc đường”. Ngay sau đó, chỗ sụp được bà con lấy cây chà bỏ xuống, lấy thùng xốp dựng lên cảnh báo người qua lại. Lực lượng khắc phục xuống thì phát quang đất phía trong, đổ cát đá, dằm xe ủi để bà con qua lại.

Đoạn đường nhựa Cơi 5 - Co Xáng lún sâu tại chỗ, phải gia cố để người dân lưu thông.
Hiện trường sụp lún tại Khóm 2, thị trấn Trần Văn Thời.
Toàn tuyến đường nhựa từ thị trấn Trần Văn Thời - Cơi 5 - Co Xáng, ngoài hàng loạt điểm sụp lún, còn lại đều biến dạng, nứt nẻ. Ảnh: Phạm Hải Nguyên

Vụ sụp lún khiến người dân sống trên tuyến này nhắc tới nhiều nhất là ở Ấp 2, xã Trần Hợi. Bà Phạm Thị Lan, nhà đối diện với vị trí sụp lún, cho biết: “Tôi già nên dậy sớm, 3 giờ sáng nghe tiếng động lớn, có người kêu cứu, chạy ra thì thấy lộ trước nhà mất tiêu rồi”. Vụ việc khiến 1 người lọt xuống vết nứt gãy tay, mặt mày xay xát nặng, 2 người khác bị thương nhẹ. Bà Lan bần thần: “Đang chạy trên lộ mà rớt xuống sao tránh được. Hên là chỉ bị thương, nếu thiệt mạng oan lắm, vì không biết tại sao mình chết”. Bà Lan nói, Ấp 2 gần tới Co Xáng rồi, chỉ 3-4 cây số nhưng còn 3 điểm sụp lún nữa. Những người dân sống ở đây chỉ mong ngóng làm sao sớm khắc phục, làm lại con lộ tốt hơn, không còn cảnh nơm nớp lo sụp lún nữa.

Đúng là cung đường này khiến chúng tôi đi từ âu lo tới ám ảnh. Từ Cơi 5 đi Co Xáng có bao xa, vậy mà thêm vài điểm sụp lún nữa. Cả một đoạn đường nhựa không sụp lún ra bờ kênh, chỉ thụt xuống sâu cả mét. Theo cách người dân ở đây mô tả là đường nhựa bị sụp hầm. Các đoạn đường này đang được bồi thêm cát, đá, be ủi để giao thông không bị đứt đoạn. Người chạy xe phải đi trên những đoạn đường như lòng chảo trong thung lũng, nhưng cũng đầy cảnh giác, không biết chỗ đó có sụp xuống tiếp hay không.

Thống kê của huyện Trần Văn Thời về sụp lún, sạt lở cứ tăng lên đến con số ngàn, từ đê ngoài biển Tây cho đến những huyết mạch giao thông. Nhưng có thể khẳng định, tuyến thị trấn Trần Văn Thời - Trần Hợi - Cơi 5 - Co Xáng chính là điểm nóng nhất và ám ảnh nhất của mùa hạn mặn năm nay tại Cà Mau. Biến dạng, nguy cơ chực chờ, các giải pháp chỉ là tình thế khiến đời sống người dân nơi đây đảo lộn. Đầu mùa mưa, đi qua tuyến đường này, nhìn những bờ đất rã rời vì ngấm nước mà chúng tôi không khỏi trăn trở: Liệu tuyến lộ có trụ được không? Rồi mùa hạn tới, mùa mưa tới nữa… Biết rằng chẳng có câu trả lời nào là chắc chắn. Chỉ có con lộ nhựa oằn mình, sụp lún lúc nào không đoán được./.

Ghi chép của Phạm Hải Nguyên

分享到: