Để làm tốt công tác này, KBNN Ninh Thuận đã rất chú trọng đến việc sắp xếp nhân sự, chọn đúng người, đúng việc giúp cho việc thực hiện thông suốt từ những ngày đầu.
Đã thanh toán trên 225 tỷ đồng qua một đầu mối kiểm soát
Ông Nguyễn Đình Linh, Giám đốc KBNN Ninh Thuận cho biết, để chuẩn bị cho việc triển khai diện rộng Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN qua KBNN, đơn vị đã tổ chức, đào tạo tập huấn cho cán bộ kiểm soát chi (KSC) và Kế toán (KT) ở cả KBNN tỉnh và các KBNN huyện. Đơn vị đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo (Giám đốc làm trưởng ban), đồng thời đã báo cáo UBND tỉnh ban hành văn bản thông báo chủ trương của KBNN về thực hiện Đề án và chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tạo thuận lợi để KBNN hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc biệt, trong quá trình sắp xếp nhân sự chuẩn bị phục vụ Đề án, công tác tư tưởng luôn được KBNN Ninh Thuận quan tâm hàng đầu. Theo đó, việc lựa chọn, bố trí nhân sự được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở trình độ, năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác của từng công chức nghiệp vụ KSC và KT nhà nước (KTNN).
Sau khi sắp xếp, bố trí lại, tất cả các cán bộ đều chấp hành sự phân công và điều động của ban lãnh đạo đơn vị, trong đó công chức từ phòng/bộ phận KTNN chuyển về phòng/bộ phận KSC đều an tâm công tác. Sau khi sáp nhập, phòng/bộ phận KSC hoạt động ổn định, bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ chứng từ chi đầu tư và chi thường xuyên luôn kịp thời, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, không để xảy ra trường hợp giải quyết trễ hạn.
Tuy nhiên, theo ông Linh, trong 15 ngày đầu tháng 10/2017, do khối lượng công việc chi thường xuyên đầu tháng cao điểm, vì vậy KT viên chuyển qua làm chuyên viên KSC thì vẫn tiếp nhận KSC thường xuyên, đối với chi đầu tư vẫn giao cho chuyên viên KSC chuyên quản như trước đây, đồng thời hỗ trợ nhập và xử lý chứng từ chi thường xuyên. Trong quá trình đó, lãnh đạo phòng KSC nghiên cứu và từng bước sắp xếp phân công nhiệm vụ cho chuyên viên KSC đảm nhiệm KSC thường xuyên và chi đầu tư theo một đầu mối. Tại KBNN các huyện đã triển khai phân công theo một đầu mối: Mỗi chuyên viên KSC hiện nay vừa KSC đầu tư vừa KSC thường xuyên theo từng ngành lĩnh vực.
Theo báo cáo từ KBNN Ninh Thuận, tính từ ngày 2/10 đến ngày 15/10/2017, đơn vị đã tiếp nhận 5.953 hồ sơ và đã giải quyết được 5.953 bộ với tổng số tiền đã thanh toán gần 226 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản là 121 bộ hồ sơ với số tiền thanh toán trên 42 nghìn tỷ đồng, và chi thường xuyên là 5.832 bộ hồ sơ với tổng số tiền đã thanh toán trên 183 nghìn tỷ đồng.
Cần có quy định về luân chuyển chứng từ
Theo ông Nguyễn Đình Linh, Đề án thống nhất đầu mối kiểm soát chi được triển khai đã nhận được rất nhiều sự đồng thuận từ phía khách hàng, các đơn vị sử dụng ngân sách vì họ sẽ không phải đến 2 bộ phận kiểm soát để thanh toán như trước kia. Cán bộ KCS và KT đã phối hợp rất nhịp nhàng trong việc giao nhận chứng từ nên đã đảm bảo thời gian KSC theo đúng quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc giao nhận chứng từ nội bộ kho bạc cũng đã nảy sinh một số khó khăn. Theo quy định, khi giao nhận chứng từ, chuyên viên KSC phải đăng nhập mã nhân viên của mình tại màn hình của KT viên (theo phân luồng) để giao chứng từ. Ngược lại, cuối ngày KT viên đăng nhập mã nhân viên của mình tại màn hình của chuyên viên để trả chứng từ. Thực tế cho thấy việc bàn giao chứng từ như vậy rất mất thời gian trong giao việc nhận.
Để khắc phục tình trạng này, KBNN Ninh Thuận đã có đề nghị bổ sung chức năng cho phép chuyên viên KSC, KT viên thao tác bàn giao chứng từ hàng ngày trên màn hình của chính mình, mà không phải đăng nhập mã nhân viên của mình tại màn hình của KT viên/chuyên viên. Như vậy, khi nhận được chứng từ giấy, KT viên/chuyên viên KSC sẽ kiểm tra và thao tác nhận chứng từ trên màn hình giao nhận (nút bàn giao), vừa giúp bảo đảm tính bảo mật tài khoản người sử dụng TABMIS vừa giúp các cán bộ kho bạc không bị mất nhiều thời gian cho việc giao nhận chứng từ nội bộ.
Vân Hà