Trên cơ sở đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, phkết quả tigres Bộ Giao thông vận tải chấp thuận điều chỉnh giá vé của 41 dự án BOT trên cả nước bắt đầu từ 0 giờ ngày 29-12-2023, trong đó có Trạm thu phí số 2, đoạn qua xã Đồng Tiến. Hiện các phương tiện giao thông qua đây có mức giá thấp nhất là 40 ngàn đồng/lượt; mức giá cao nhất lên tới 196 ngàn đồng/lượt, gấp khoảng 4 lần so với thời điểm trạm này đưa vào hoạt động tháng 5-2015. Cụ thể, xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng hiện có giá 40 ngàn đồng/lượt; xe từ 12 ghế đến dưới 30 ghế, xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn có giá 58 ngàn đồng/lượt…; xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40fit có giá 196 ngàn đồng/lượt. Với giá vé như hiện nay, nhiều lái xe cho rằng, đây là một trong những trạm BOT có mức phí cao tốp đầu cả nước.
Nhiều lái xe cho rằng Trạm thu phí số 2, đoạn qua xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú có mức giá cao thuộc tốp đầu của cả nước - Ảnh:Như Nam
Dù việc tăng giá cước thuận theo chủ trương của Bộ Giao thông vận tải, tuy nhiên, nhiều lái xe cho rằng, mức tăng này quá cao, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, tuyến quốc lộ 14 có lưu lượng xe qua lại lớn, trong khi hiện nay đường nhiều chỗ bị hư hỏng, xuống cấp nhưng nhà đầu tư chậm khắc phục, sửa chữa.
Là người thường xuyên di chuyển qua lại giữa huyện Bù Đăng và thành phố Đồng Xoài, lái xe Tống Văn Hưng cho biết, xe tôi thường di chuyển từ xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng về thành phố Đồng Xoài và ngược lại khoảng 100km, hết khoảng 200 ngàn đồng tiền dầu. Trong khi đó, tiền vé qua Trạm thu phí số 2 này hết 170 ngàn đồng cho cả lượt đi và về. “Tiền phí qua trạm gần bằng tiền dầu. Tiền vé cao, trong khi đoạn đường này nhiều chỗ xuống cấp, bong tróc, ổ gà” - anh Hưng phản ánh.
Là người di chuyển nhiều qua các tỉnh, thành phố trong cả nước, lái xe Nguyễn Tấn Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng ngán ngẩm khi qua Trạm thu phí số 2 này. Anh Bình cho hay, trạm này năm trước thu 35 ngàn đồng/lượt đã cao, nay tăng lên 40 ngàn đồng thì cao quá.
Với việc giá cước quá cao, nhiều lái xe đã chọn phương án né trạm. Theo quan sát của chúng tôi, cung đường “mới” này của các lái xe xa hơn khoảng 1km so với bình thường. Tuy xa hơn, đi lại khó khăn hơn nhưng để tiết kiệm khoản phí cầu đường phải nộp cho mỗi lượt xe qua trạm, rất nhiều lái xe đã chọn cách chạy đường vòng. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, tuyến đường liên ấp 1 và 3, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú luôn nhộn nhịp các loại xe tải, xe ôtô qua lại.
Với giá phí quá cao, nhiều lái xe chọn cách đi đường vòng để né trạm. Ảnh Như Nam
Có mặt tại tuyến đường liên ấp, chúng tôi nhận thấy tuyến đường bê tông xi măng này chỉ rộng từ 4-5m nhưng có rất nhiều phương tiện lưu thông qua lại. Lúc cao điểm, nhiều xe tải trọng lớn cũng ì ạch di chuyển qua đây vì đường hẹp. Khi có 2 xe chạy ngược chiều né nhau con đường thường bị ách tắc, người dân lưu thông bằng xe máy phải di chuyển sát lề đường rất bất tiện và nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Liên, người dân sinh sống gần tuyến đường này cho biết, tình trạng xe tải, xe ôtô đi “nhờ” đường để tránh trạm thu phí không chỉ tạo khói bụi, tiếng ồn và nguy hiểm cho người dân mà còn làm quá tải dẫn đến đường hư hỏng, xuống cấp. “Con đường này trước đây vốn dĩ đã có nhiều loại xe trốn trạm. Tuy nhiên, từ ngày Trạm thu phí số 2 tăng giá vé thì lái xe càng có lý do để “chọn đường nhỏ, bỏ đường lớn”, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Năm trước cũng có vụ xe né trạm hất em học sinh xuống mương gây tử vong rất thương tâm” - bà Liên lo lắng.
Thực tế cho thấy, trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế như hiện nay, việc xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT (xây dựng - vận hành và chuyển giao) là điều hết sức cần thiết. Song, việc triển khai như thế nào để hiệu quả và chặt chẽ, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người trả phí giao thông là điều quan trọng nhất. Do đó, các nhà đầu tư cần có cách thu phí phù hợp, không nên tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay.