Theo ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, từ khi triển khai, Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Một tác động có thể nhìn thấy ngay là số lượng xe phục vụ công tác chung đã giảm đi khá nhiều. Việc xử lý số xe dôi dư thông qua các hình thức điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu, bán, thanh lý thu tiền nộp ngân sách nhà nước được thực hiện nghiêm túc.
Theo ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, tính đến hết 31/12/2016, tổng số xe trên cơ sở dữ liệu về tài sản nhà nước còn 34.214 chiếc; trong đó, xe phục vụ chức danh là 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung là 17.047 chiếc và xe chuyên dùng là 16.330 chiếc.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài chính, từ khi thực hiện Quyết định số 32, tổng số xe các đơn vị đã thanh lý được là 1.105 chiếc. Báo cáo thanh lý 761 xe trong số đó thu được 35,15 tỷ đồng, bình quân 46,2 triệu/xe.
Bên cạnh đó, còn 2.041 xe đã được các bộ, ngành, địa phương thống nhất với Bộ Tài chính xếp vào số dư thừa và sẽ tiếp tục thanh lý trong thời gian tới. Như vậy, bước đầu, cả nước đã có thể giảm được hơn 3.100 đầu xe công.
Quy định về khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công cũng đã và đang được một số bộ ngành, địa phương nghiên cứu áp dụng (như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, TP. Hà Nội…). Kết quả bước đầu cho thấy cơ chế khoán xe công góp phần tiết kiệm chi ngân sách, được dư luận, nhân dân đồng tình.
Để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong gần 2 năm triển khai Quyết định số 32, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Trong dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến khoán kinh phí bắt buộc đối với các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống có tiêu chuẩn xe đưa đón từ nhà đến cơ quan.
Một nội dung khác cũng có tác động lớn đó là việc Bộ Tài chính đề nghị khoán tự nguyện kinh phí sử dụng phương tiện khi đi công tác trong nội tỉnh, thành phố hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có) với chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước.
Có hai phương án xác định mức khoán kinh phí được là đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng hoặc khoán xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác.
Giải đáp về cơ sở đưa ra 2 mức khoán nói trên, ông Trần Đức Thắng cho biết: Đây là mức khoán được cơ quan soạn thảo tính toán bình quân dựa trên những nghiên cứu khi đi khảo sát thực tế. Mức khoán này cũng sẽ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng/giảm trên 20%.
Với phương án thứ hai, mức đơn giá khoán là 16.000 đồng/km, được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng/giảm trên 20% hoặc dựa trên đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương, việc xác định đơn giá khoán cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định.
Có một số ý kiến cho rằng đơn giá nói trên là hơi cao so với thực tế, song, theo đại diện Bộ Tài chính, với mức 16.000 đồng/km, số tiền chi khoán chỉ bằng một nửa so với số tiền duy trì một chiếc xe công. “Như vậy, cả Nhà nước và người nhận khoán đều được hưởng lợi. Hơn thế nữa, để đảm bảo sự ổn định của chính sách, khi giá xăng dầu, cước vận tải tăng lên, con số này vẫn có thể đảm bảo duy trì hoạt động cho cán bộ, công chức khi làm nhiệm vụ” - Cục trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh.
Đề xuất khoán kinh phí sử dụng xe đưa đón, vì sao Bộ Tài chính không đề nghị khoán luôn cả kinh phí sử dụng xe đi công tác? Ông Trần Đức Thắng: Điều này chúng tôi đã tính toán kỹ lưỡng. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng khoán tự nguyện, ai đăng ký khoán thì nhận kinh phí, ai không đăng ký vẫn được đưa đón toàn bộ. Nếu có thể áp dụng khoán bắt buộc với kinh phí sử dụng xe đưa đón với các chức danh từ Thứ trưởng và tương đương trở xuống đã là một bước tiến lớn, góp phần giảm khoảng 700 đầu xe công. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, chính sách nào cũng có lý lẽ của nó. Việc Nhà nước cho phép các đồng chí đó hưởng chế độ sử dụng xe nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc phục vụ nhiệm vụ chính trị chung, nhằm đảm bảo an toàn,... Do đó, chúng ta không thể bắt buộc khoán cả phần kinh phí sử dụng xe ô tô đi công tác được mà vẫn trên tinh thần tự nguyện. Nếu đồng chí nào có phương tiện cá nhân hoặc thuê xe dịch vụ thì có thể tự nguyện đăng ký nhận khoán. Còn lại, chúng ta vẫn cần duy trì một lượng xe phục vụ công tác chung nhất định để đảm bảo không ảnh hưởng đến công việc. Việc bắt buộc khoán kinh phí đưa đón cũng là một bước thăm dò thực tế để chúng tôi có cơ sở triển khai các bước tiếp theo nếu cảm thấy hợp lý. |