Kể từ khi Việt Nam bị EC áp dụng biện pháp cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam vào EU (tháng 10/2017) đến nay, phía EC đã 2 lần sang kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Xin ông cho biết, phía EC nhìn nhận như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam? Qua 2 lần kiểm tra, đặc biệt, trong cuộc họp trực tuyến với EC ngày 30/6 vừa qua, phía EC tiếp tục đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU. Bên cạnh đó, EC cũng đánh giá cao tính minh bạch, trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin. Đáng chú ý, việc Việt Nam tích cực hoàn thiện khung pháp lý trong một thời gian ngắn để tăng cường giám sát, xử lý vi phạm được EC đánh giá cao; đồng thời công tác truy xuất nguồn gốc cũng có nhiều tiến bộ, mức độ sai sót trong các lô hàng xuất khẩu sang EC giảm đáng kể. Tuy nhiên, phía EC đề xuất phía Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 20% số tàu cá còn lại, kiểm soát tốt hơn nữa sản lượng hải sản lên bến, ghi chép nhật ký đầy đủ đảm bảo hồ sơ xuất khẩu minh bạch, chính xác; xử phạt nghiêm đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo khung khổ pháp luật. Nếu chưa chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, phía EC tiếp tục khẳng định sẽ không gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho Việt Nam. Đây là một vấn đề nan giải, đòi hỏi ngành chức năng, các địa phương phải có giải pháp mạnh hơn nữa. Nếu thời gian tới "thẻ vàng" vẫn không được gỡ bỏ sẽ tác động ra sao tới xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào thị trường EU, thưa ông? Kim ngạch xuất khẩu hải sản sang EU khoảng 400 – 500 triệu USD/năm. Trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 10 – 15 triệu USD mỗi năm. Con số tuy chưa phải là lớn nhưng nếu không sớm gỡ được “thẻ vàng” chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành. Đơn cử như Campuchia, bị rút "thẻ đỏ" thì toàn bộ sản phẩm thủy sản sẽ bị cấm xuất khẩu sang thị trường EU.
Ngoài ra, các thị trường khác cũng có khả năng áp dụng các quy định khác trong khai thác IUU tương tự như EC. Ví dụ điển hình như, Mỹ đang có dự kiến phiên điều trần đối với Việt Nam trong việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sang Mỹ xem liệu có thực thi các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp hay không. Bên cạnh kết quả đạt được, đâu là những hạn chế, tồn tại điển hình trong triển khai các khuyến nghị của EC khiến Việt Nam chưa đủ sức thuyết phục EC gỡ "thẻ vàng", thưa ông? Ở thời điểm hiện tại, tồn tại lớn nhất là vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài. Trong nửa đầu năm 2020 dù số vụ vi phạm đã giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn còn 54 vụ với 86 tàu cá vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Trong đó, Kiên Giang 34 vụ/58 tàu, Cà Mau 5 vụ/8 tàu, Bến Tre 6 vụ/7 tàu, Bà Rịa-Vũng Tàu 4 vụ/6 tàu,... Bên cạnh đó, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới được thực hiện trên 80% tàu cá (24.000 chiếc), còn 20% số tàu cá cố gắng hoàn thành trong thời gian tới. Tồn tại lớn nhất trong việc giám sát hành trình là ngư dân không duy trì thiết bị giám sát 24/24h, vẫn còn tình trạng tàu cá ra biển là mất kết nối, khó giám sát nếu vi phạm. Ngoài ra, phải nói thêm rằng, dù hầu hết ngư dân có ý thức trong việc ghi chép nhật ký khai thác để đảm bảo truy xuất nguồn gốc nhưng vẫn còn sai sót. Công tác xử phạt đối với các hành vi vi phạm vẫn còn khó khăn. Xin ông cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ ưu tiên các nhóm giải pháp nào trong thời gian tới để tiến tới gỡ "thẻ vàng" của EC? Thực hiện các khuyến nghị của EC, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tăng cường các đoàn công tác kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại địa phương, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn để rà soát, khắc phục các tồn tại, hạn chế. Đồng thời, tăng cường công tác theo dõi, giám sát địa phương trong tổ chức triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật về cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá… theo đúng quy định, lộ trình. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU theo đúng quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ như kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, kiểm soát tàu cá ra vào cảng… Thực thi nghiêm công tác xử phạt hành vi vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là theo dõi, điều tra, xử lý kịp thời các vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài... Xin cảm ơn ông! |