| Xuất khẩu thủy sản vượt 10 tỷ USD nhưng doanh nghiệp đang lo vượt khó | | Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản | | Doanh nghiệp thủy sản thiếu vốn mua nguyên liệu sản xuất |
| Doanh nghiệp thủy sản lo đơn hàng giảm. Ảnh: ST |
Giảm chi phí, duy trì việc làm Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 10,17 tỷ USD. VASEP dự báo, hết năm 2022, xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 11 tỷ USD. Đây là mốc kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia thị trường thế giới, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong những tháng cuối năm 2022, tình hình lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu. Do đó, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thị trường quốc tế giảm mạnh, lượng hàng tồn kho còn nhiều nên các nhà nhập khẩu giảm hoặc dừng các đơn hàng mới trong các tháng cuối năm và có thể kéo dài sang đầu năm 2023. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng bị gián đoạn. Tình hình lạm phát giá cả xăng dầu tăng cao làm các tập đoàn đánh bắt cá trên thế giới giảm số tàu đi khai thác trong quý 4 này. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu trong nước, ngư dân đi khai thác theo mùa vụ, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp. Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta phân tích, đến thời điểm này chưa có nhiều đơn hàng là do các nhà nhập khẩu đang tìm hiểu thị trường cuối năm, khi thấy mức tiêu thụ sản phẩm cao mới nhập. Năm 2023, công ty phải xây dựng chiến lược gồm tiết kiệm nguồn vốn, đầu tư chế biến sâu hơn với các sản phẩm từ tôm. Bên cạnh đó, giá thành sản xuất nuôi tôm của Việt Nam đang cao nhất thế giới nên cần phải hạ giá thành để tăng sức cạnh tranh. Do đó, doanh nghiệp cần tìm kiếm chuyển hướng sang thị trường mới với địa lý gần hơn để giảm giá thành vận chuyển cũng như giảm chi phí nhập khẩu. Không chỉ doanh nghiệp thủy sản lớn, nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô sản xuất nhỏ cũng đã chủ động nguồn vốn, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất xuất khẩu năm 2023. Bà Nguyễn Thị Ánh, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Sông Tiền nhận định qua hai năm dịch bệnh, tình hình sản xuất xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu cá tra trong năm 2022, công ty đã chủ động xây dựng vùng nuôi trên 20 ha. Mặc dù, có thị trường XK đi châu Âu khá ổn định trong nhiều năm qua, nhưng kim ngạch XK cá tra của Sông Tiền năm nay chỉ đạt 90% của năm trước. “Hiện nay, đơn hàng mới giảm rất nhiều, ngoài thị trường châu Âu, công ty còn mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông. Doanh nghiệp đang thực hiện đơn hàng xuất khẩu 300 container cá tra cho một đối tác. Doanh nghiệp kỳ vọng vào nửa cuối năm, đặc biệt là quý 4/2023 sẽ khởi sắc so với nửa đầu năm”- bà Ánh chia sẻ thông tin. Theo nhận định của VASEP, năm nay, tết Dương lịch và tết Nguyên đán gần nhau nên tâm lý ngư dân sẽ nghỉ Tết sớm. Các hoạt động nuôi trồng và thả nuôi mới cũng chững lại do những tiên lượng về nhu cầu thị trường. Vì vậy, để duy trì sản xuất với lượng nguyên liệu ít và hoàn thành các đơn hàng đã ký từ trước, các doanh nghiệp thủy sản đa phần đang nỗ lực duy trì 60-80% việc làm cho người lao động, không tăng ca và bố trí nghỉ phép năm cho công nhân viên. Tìm nguồn vốn Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, ngành thuỷ sản phải đối mặt với thách thức về thị trường khi lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Ngành thuỷ sản Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro vì sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn phải huy động nhiều vốn vay để tài trợ nguồn hàng, dẫn tới những khó khăn về tài chính khi tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng mạnh khiến cho chi phí đi vay cao và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh. Chỉ ra vướng mắc cần tháo gỡ cho nguồn nguyên liệu sản xuất, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam cho rằng, ngoài nguồn nguyên liệu nuôi trồng trong nước, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu còn phải nhập khẩu nguyên liệu, nếu được hỗ trợ nguồn vốn từ nhà nước doanh nghiệp sẽ giảm bớt khó khăn. Về nguồn vốn, hiện nhiều ngân hàng đã được nới room tín dụng, nhưng doanh nghiệp phải phụ thuộc rất nhiều vì đối tượng ngân hàng cho vay như thế nào, có ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hay không... Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, tình hình sử dụng vốn huy động của các công ty niêm yết ngành thủy sản khá ổn định, doanh thu tạo ra hài hòa với lượng vốn. Trong năm 2022, các công ty niêm yết ngành thủy sản có cơ cấu vốn khá tốt so với ngành công nghiệp. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các công ty thủy sản niêm yết tăng tốt, cao hơn năm 2019. Hiện ROE của các công ty thủy sản nói chung ở mức 14,8%, các công ty thủy sản nhỏ và vừa khoảng 13%. Các công ty có thể chịu được lãi suất cho vay hiện nay ở mức 10-12%, tuy nhiên nếu lãi suất cao hơn thì sẽ hơi khó khăn. Nếu như Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý 1/2023, thì nhiều công ty thủy sản nhỏ và vừa sẽ phải chấp nhận lỗ khi sử dụng vốn. Ngoài nguồn vốn vay, nhiều doanh nghiệp cũng tính phương án phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Mới đây, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Camimex Group (CMX) đã thông qua nghị quyết phát hành 3 triệu trái phiếu ra công chúng để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Camimex Group sẽ chào bán tối đa 3 triệu trái phiếu ra công chúng với mã CMXH2326001, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tổng trị giá phát hành là 300 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong quý 4/2022 đến quý 1/2023. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 36 tháng kể từ ngày phát hành, lãi suất 11,2%/năm. Số tiền huy động 300 tỷ đồng sẽ được Camimex Group dùng để thanh toán tiền mua nguyên vật liệu của nhà cung cấp. |