Trước tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và các biện pháp ngăn chặn đại dịch lây lan, ISTAT cho hay,
GDP quý II/2020 của Italy giảm 12,8% so với quý I/2020, và giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2019. Theo ISTAT, GDP giảm mạnh do nhu cầu trong nước giảm với ảnh hưởng tiêu cực từ tiêu dùng tư nhân, đầu tư và hàng tồn kho.
So với quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng giảm 8,7%, mức tổng đầu tư cố định giảm 14,9%, xuất và nhập khẩu giảm lần lượt 20,5% và 26,4%.
Các ngành sản xuất chính cũng ghi nhận xu hướng tiêu cực, trong đó, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ giảm lần lượt là 3,7%, 20,2% và 11%; và chi tiêu hộ gia định giảm 12,4%.
Mặc dù chính phủ đã triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ngăn chặn hoạt động sa thải nhân viên, song đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động xấu tới thị trường lao động.
ISTAT ước tính, trong quý II, lao động toàn thời gian giảm 11,8% so với quý I. Trong khi đó, phần lớn các lao động có thời hạn đều mất việc làm, và nhu cầu tuyển dụng giảm mạnh khiến cơ hội làm việc của giới trẻ đang ngày càng khó khăn.
Ngoài ra, việc thu hẹp quy mô của các ngành dịch vụ, du lịch khiến hàng chục nghìn lao động mất việc làm. Theo đó, ISTAT khuyến cáo cần khởi động lại nền kinh tế và nâng cao niềm tin vào tương lai đối với các doanh nghiệp và các hộ gia đình.
Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức, một tháng sau khi ghi nhận lạm phát âm lần đầu tiên kể từ năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng lên mức 0% trong tháng 8/2020.
Cơ quan trên cho biết, sau khi giảm 0,1% trong tháng 7/2020, lạm phát đã dừng ở mức 0% trong tháng 8, vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 0,9% trong tháng 6 do tác động của dịch COVID-19.
Nhà kinh tế trưởng Uwe Burkert của Ngân hàng LBBW cho biết lạm phát sẽ không tăng đáng kể cho tới đầu năm sau. Ông nhận định sau khi "tụt dốc" trong tháng 7 do giảm thuế VAT, lạm phát hiện tại sẽ dừng ở 0% và mức này có thể vẫn duy trì trong vài tháng tới.
Dự báo, GDP của Đức sẽ giảm hơn 6% trong cả năm 2020. Theo biểu tính của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), gọi là Chỉ số Giá tiêu dùng hài hòa (HICP), lạm phát năm 2020 của Đức sẽ giảm 0,1% so với năm 2019.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã giảm kỷ lục - tới 40% trong quý 2 năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới doanh thu của ngành du lịch.
Theo số liệu của Viện Thống kê quốc gia (INE), GDP từ tháng 4-6/2020 đã giảm 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 13,9% so với quý trước đó.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong cùng kỳ cũng giảm khoảng 40% xuống còn 13,3 tỷ euro so với năm ngoái. Tiêu dùng của khu vực tư nhân cũng giảm khoảng 14% xuống còn 28 tỷ euro và đầu tư giảm gần 11% xuống gần 9 tỷ euro.
Phát biểu với báo giới sau khi những số liệu trên được công bố, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cho biết: "Đây là một sự đình trệ thảm hại chưa từng có mà quốc gia thành viên Khu vực đồng euro này từng gặp và đây có thể vẫn chỉ là một phần của tảng băng chìm."
Không ngoại lệ, Nga cũng đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19. Tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga thông báo lợi nhuận ròng trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm chỉ còn 1/25 so với cùng kỳ năm ngoái khi giá dầu và khí đốt giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Theo đó, lợi nhuận ròng của Gazprom chỉ đạt 32,9% tỷ rubble (447 triệu USD) so với mức 836,5 tỷ rubble cùng kỳ năm 2019. Doanh thu cũng giảm 1/3 xuống còn 2,9 nghìn tỷ rubble./.
Theo TTXVN