Kiểm tra hàng quà biếu, quà tặng nhập khẩu qua sân bay quốc Tân Sơn Nhất. Ảnh: T.H Theo Cục Hải quan TP.HCM, đặc biệt là giải quyết vướng mắc về kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng quà biếu, tặng nhập khẩu tại 2 đơn vị là Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh và Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, mặt hàng thực phẩm là quà biếu, tặng không thuộc đối tượng miễn kiểm tra an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo Cục Hải quan TP.HCM, số lượng bưu phẩm, bưu kiện nhập khẩu theo hình thức quà biếu, quà tặng qua đường hàng không làm thủ tục qua 2 chi cục hải quan nêu trên rất lớn, mỗi ngày lên đến hàng trăm gói. Đa số các mặt hàng quà biếu, tặng dưới 2 triệu đồng nằm trong tiêu chuẩn miễn thuế theo Quyết định 31/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ đều có hàng thực phẩm. Việc kiểm tra an toàn thực phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP gây phản ứng từ người nhận hàng, không phù hợp với tình hình thực tế. Từ thực trên, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến với Bộ Y tế để tháo gỡ vướng mắc này theo hướng hàng thực phẩm quà biếu, tặng nằm trong định mức miễn thuế thì không phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Liên quan đến vướng mắc trên, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Bộ đã nhận được văn bản của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 38/2012/NĐ-CP. Việc quy định thực phẩm là hàng quà biếu, tặng (kể cả trường hợp gửi qua dịch vụ bưu chính) không thuộc đối tượng được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp bưu chính cũng như người sử dụng dịch vụ trong quá trình thực hiện các thủ tục thông quan khi lưu lượng bưu gửi quốc tế tương đối lớn (bình quân 500 - 1.000 gói/ngày). Ngoài ra các khoản phí phát sinh theo quy định để thực hiện việc kiểm tra phải thu từ khách hàng rất cao (bình quân khoảng 1.150.000 đồng/gói), gây bức xúc cho người sử dụng dịch vụ và khiến họ từ chối nhận bưu gửi. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trước đây việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với thực phấm nhập khẩu được thực hiện theo các quy định của Quyết định 23/2007/QĐ-BYT ngày 29-3-2007 của Bộ Y tế ban hành “Quy chế kiểm tra nhà nước về chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm nhập khẩu”. Theo điểm b khoản 4 Điều 1 của Quy chế này, hầu hết các bưu gửi quốc tế có nội dung là thực phẩm dưới hình thức quà biếu, quà tặng và có giá trị thuộc định mức miễn thuế đã được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, quy định này rất phù hợp với tính chất của sản phẩm dịch vụ bưu chính (đa phần là hàng quà biếu, quà tặng; số lượng ít, mang tính cá nhân), đã tạo thuận lợi lưu thoát nhanh các bưu gửi từ quốc tế đến và đảm bảo tính nguyên vẹn của gói/kiện, góp phần nâng cao sự hài lòng của khách hàng. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm cho toàn xã hội là hết sức cần thiết. Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật được ban hành đã có tác dụng tích cực trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong hoạt động nhập khẩu bưu gửi qua đường bưu chính thì các doanh nghiệp bưu chính đã gặp một số vướng mắc nêu trên. Từ thực tế này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị các bộ: Tài chính, Y tế và Bộ Công Thương quan tâm, xem xét và hướng dẫn cụ thể việc miễn kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, đặc biệt là các trường hợp thuộc diện hàng quà biếu, quà tặng được miễn thuế, không chịu thuế theo quy định của Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg ngày 4-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ. |