(CMO) Ðó là khẳng định của Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Y tế Cà Mau trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Theo đó, nhiệm vụ trước mắt và ngay lúc này là phải tích cực, nhanh chóng, tầm soát tìm và tách những ca F0, F1 ra khỏi cộng đồng để tránh lây lan, tìm ra F2, F3 khoanh vùng quản lý tại hộ gia đình, không để lây ra bên ngoài.Khởi phát từ ngày 13/8 với ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Khóm 4 và Khóm 5, Phường 6, TP Cà Mau. Tiếp đến ngày 20/8 xuất hiện ổ dịch ấp Hiệp Hoà Tây, xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi. Ðến ngày 23/8, ca bệnh tại Khóm 5, phường Tân Xuyên; ấp Bào Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình; rồi đến Khóm 4, Phường 4, TP Cà Mau. Ðây là một chuỗi ca bệnh liên quan hàng chục ca sau đó. - Nhiệm vụ cấp bách, quan trọng lúc này trong công tác phòng, chống dịch là gì, thưa bác sĩ? Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng:Nhiệm vụ trước mắt và ngay lúc này là phải tích cực, nhanh chóng, tầm soát tìm ra những ca trong cộng đồng là F0, F1, tách ra để tránh lây lan, tìm ra F2, F3 khoanh vùng quản lý tại hộ gia đình, không để lây ra bên ngoài. Chúng ta phải điều tra truy vết tất cả những trường hợp liên quan đến F0 để tìm ra chuỗi lây và nguy cơ. Muốn làm được như vậy, phải huy động tất cả lực lượng truy vết lẫn chuyên môn. Ðặc biệt là công tác lấy mẫu, xét nghiệm trong những vùng có nguy cơ, vũng lõi, các nhóm dân số nguy cơ. Thậm chí lấy mẫu diện rộng trong vùng địa phương có nguy cơ cao hoặc nguy cơ để kiểm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Ðây là nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang tính cấp bách. Vì vậy, trong những ngày qua tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, tập trung tất cả các lực lượng, từ chính quyền đến cơ quan chuyên môn: y tế, công an… tập trung điều tra truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng. TP Cà Mau đã lấy mẫu xét nghiệm cho toàn thành phố. Ngoài ra, nhóm dân số nguy cơ cao của các huyện vẫn lấy mẫu tầm soát như: người buôn bán tại các chợ, dịch vụ tiếp xúc nhiều người thì tiến hành lấy mẫu, tầm soát, làm sạch địa bàn, bảo vệ địa bàn, bảo vệ vùng xanh. Việc tầm soát tìm F1, F0 và lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả dân số nhóm nguy cơ là hết sức quan trọng lúc này. Tuỳ theo đối tượng mà lấy mẫu đơn hay gộp. Ðối với F1, F0 thì lấy mẫu đơn, còn người dân trong cộng đồng lấy mẫu gộp, tuỳ vùng.
- Việc lấy mẫu cùng lúc cho lượng dân số lớn như vậy chắc hẳn đã gây áp lực không nhỏ cho đội ngũ lấy mẫu cũng như trang thiết bị máy móc để đảm bảo công tác xét nghiệm? Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng:Trong những ngày vừa qua, nhu cầu lấy mẫu với dân số rất lớn, có ngày đến 40.000-50.000 người được lấy mẫu. Ðòi hỏi phải bố trí lực lượng y tế rất đông trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và phải đi từng nhà lấy mẫu cũng hết sức khó khăn, làm chậm tiến độ theo kế hoạch. Tuy nhiên, các địa phương đã bổ sung lực lượng liên tục. Ðặc biệt, địa bàn TP Cà Mau xảy ra dịch bệnh cao nên chúng ta tập trung lực lượng từ tuyến tỉnh đến các huyện về để hỗ trợ lấy mẫu. Ngay đợt này, tại TP Cà Mau, ngoài lực lượng Trung tâm Y tế thành phố còn điều động lực lượng từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các bệnh viện trong tỉnh, phòng khám tư nhân, các trung tâm y tế huyện, khoảng 230 người, tổng số gần 300 nhân viên y tế lấy mẫu. Ngoài ra, mỗi địa phương tăng cường lực lượng chính quyền, đoàn thể địa phương, đóng vai trò vận động, tổ chức, sắp xếp để thực hiện lấy mẫu thật nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu xảy ra thêm một vài địa điểm phức tạp sẽ rất khó khăn khi lực lượng y tế không thể nào dàn trải lấy mẫu cho toàn bộ dân số cùng một lúc. Riêng TP Cà Mau có thể đảm bảo, nhưng nếu xảy ra trên diện rộng, về xét nghiệm lấy mẫu cũng như công suất máy xét nghiệm sẽ gặp khó khăn. Trước đây mỗi ngày xét nghiệm RT-PCR chỉ có mấy trăm mẫu, nhưng hiện nay đã nâng lên 3.000-4.000 mẫu gộp/ngày, nghĩa là một ngày phải xét nghiệm được khoảng 40.000 người với công suất tối đa. Nhưng so với yêu cầu lấy mẫu toàn bộ dân số thì chúng ta sẽ gặp khó, công suất đó cần mở rộng, nâng lên. Hiện nay, ngành y tế đang tham mưu UBND tỉnh tiếp tục bổ sung các máy xét nghiệm, tập huấn bổ sung lực lượng lấy mẫu.
- Thưa bác sĩ, những khó khăn trên cùng với tình hình dịch bệnh phức tạp, sắp tới ngành sẽ đẩy mạnh giải pháp gì? Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng:Dân số chúng ta đông, vì vậy nên chủ trương, tuyên truyền mọi người dân tự làm test nhanh, yêu cầu nhân viên y tế, trung tâm y tế, xã, phường, thị trấn, tổ Covid cộng đồng tiếp tục truyền thông và hướng dẫn cho người dân biết cách tự lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để phát hiện sớm người có bệnh, để cách ly điều trị, tránh lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. Về vấn đề này, hiện đã triển khai cho tất cả các trạm y tế xã được nhận các test nhanh kháng nguyên về bán lại cho bà con với giá gốc để người dân tự test. Ngoài ra, cho chủ trương các công ty, nhà thuốc, quầy thuốc được bán test nhanh kháng nguyên, đồng thời hướng dẫn cách test và xử lý khi dương tính để cơ quan y tế có biện pháp can thiệp. Như vậy, bằng mọi cách, vừa tăng cường lực lượng y tế, mở rộng xét nghiệm, vừa tuyên truyền người dân tự làm test nhanh, hy vọng sẽ kiểm soát nhiều hơn, nhanh hơn với số lượng đông hơn người dân trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, tiếp tục giám sát các trường hợp, thực hiện "3 mũi giáp công": kiểm soát vòng ngoài không để người mang mầm bệnh lọt vào bên trong; tăng cường xét nghiệm để tầm soát kiểm tra theo định kỳ; phát huy vai trò các tổ y tế cộng đồng để kiểm tra từng khu vực, khóm, ấp, tuyên truyền người dân ý thức thực hiện 5K, hạn chế tối đa các hoạt động làm lây lan dịch bệnh và tăng cường ý thức người dân để phát hiện sớm các mối nguy trong cộng đồng. Về cơ sở vật chất, khu cách ly tập trung hiện vẫn đảm bảo đủ điều kiện. Chuẩn bị 3.000 chỗ, nhưng hiện tại số người chỉ khoảng 900. Tỉnh đang mở rộng các khu cách ly tiếp tục để dự phòng những tình huống phức tạp. Theo đó, công tác điều trị so kế hoạch đã chuẩn bị 800 giường, bệnh nhân hiện tại điều trị 100 người, năng lực điều trị đã chủ động, không gặp khó khăn gì. Tình trạng các bệnh nhân đang ổn. - Xin cảm ơn bác sĩ!
Hồng Nhung thực hiện
|