Bước phát triển mới về cơ sở pháp lý
Trải qua quá trình hình thành và phát triển gần 70 năm qua, ngành Hải quan đã từng bước hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành. Từ chỗ Hải quan Việt Nam còn phải tạm thời sử dụng những quy định nghiệp vụ về thuế quan của chính quyền thực dân đến việc xây dựng và ban hành được “Điều lệ Hải quan”, Pháp lệnh Hải quan (năm 1990) và tiếp đó là Luật Hải quan (năm 2001), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hải quan (năm 2005) và Luật Hải quan 54/2014/QH13… là cả một quá trình hoàn thiện thể chế của ngành Hải quan.
Ở mỗi giai đoạn phát triển của ngành Hải quan, hệ thống cơ sở pháp lý này đều phục vụ đắc lực cho việc triển thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đến nay, trải qua cả một quá trình đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan đã được công khai, minh bạch, đơn giản và thuận lợi hơn; thời gian thông quan từng bước được rút ngắn, phù hợp với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hài hoà thủ tục hải quan với các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập.
Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn lại đặt ra những yêu cầu mới về hoàn thiện thể chế. Vì vậy Luật Hải quan cần phải thay đổi để đáp ứng và phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan, cùng với đó là yêu cầu của việc phải nhanh chóng hiện đại hoá hoạt động hải quan để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế cũng như bảo đảm sự hội nhập của Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước trong khu vực và trên thế giới.
Có thể thấy, quan điểm xuyên suốt mà lãnh đạo Bộ Tài chính và lãnh đạo Tổng cục Hải quan xác định trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Hải quan (sửa đổi) là đổi mới toàn diện hoạt động hải quan thông qua tạo điều kiện áp dụng quản lý hải quan hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...
Quan điểm này đã được Quốc hội, Chính phủ ủng hộ bằng việc ngày 23-6-2014, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Hải quan với số phiếu tán thành cao (91,16%/92% đại biểu tham dự).
So với Luật Hải quan hiện hành, Luật Hải quan (sửa đổi) có rất nhiều quy định mang tính cải cách, tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế; đánh dấu một bước phát triển mới về cơ sở pháp lý để ngành Hải quan tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia.
Luật Hải quan sẽ tạo nền tảng pháp luật thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020 được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển Tài chính, Chiến lược phát triển Hải quan đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Không chỉ có thế, Luật Hải quan cũng đã đổi mới các nội dung và các điều luật theo hướng gia tăng các quy định nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hải quan theo hướng đơn giản, rõ ràng, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện hải quan điện tử, một cửa quốc gia tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động hải quan trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ an ninh kinh tế, nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, gian lận thương mại, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan Hải quan trong việc thực hiện pháp luật hải quan...
Quyết liệt triển khai Luật
Quan điểm, mục tiêu và nội dung đã rõ ràng, tuy nhiên để chính sách thực sự đi vào cuộc sống thì công tác triển khai những nội dung của Luật Hải quan là rất quan trọng. Xác định được nhiệm vụ quan trọng này, ngành Hải quan coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2014. Đồng thời, ngay sau khi Luật Hải quan được thông qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 929/CT-TCHQ để triển khai Luật Hải quan.
Chính vì vậy, việc xây dựng danh mục văn bản và kế hoạch triển khai thực hiện công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật đã được gấp rút chuẩn bị. Theo đó, sẽ trình Chính phủ 3 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính (12 Thông tư) cũng được đồng thời chuẩn bị cùng các văn bản này.
Trong đó sẽ tập trung xây dựng một cách chất lượng những quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh trong nước và quốc tế của các DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi phổ biến hải quan điện tử…
Bên cạnh đó, xây dựng những quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục thành lập Cục Hải quan tỉnh, quy định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động của cơ quan Hải quan các cấp. Đây sẽ là cơ sở pháp lý cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ khi xem xét thành lập, sáp nhập, giải thể các Cục Hải quan. Điều này sẽ tạo một cơ sở pháp lý cao hơn cho ngành Hải quan về tổ chức bộ máy và hoạt động của ngành giúp cho ngành Hải quan hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa của mình.
Để xây dựng những văn bản này, Tổng cục Hải quan sẽ phải rà soát, sửa đổi hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Cùng với đó, tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật đến toàn thể CBCC trong toàn ngành Hải quan cũng như cộng đồng DN.