Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc Việt Nam phải có thứ hạng cao về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) bởi đây là nền tảng của các lĩnh vực khác,ủtướngViệtNamphảicóthứhạngcaovềkết quả u19 pháp nền tảng của kinh tế số. Đánh giá cao sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ICT, Thủ tướng cho rằng, điều đó thể hiện sự coi trọng công nghệ và truyền thông khi mà “con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải là công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao”. Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với cụm từ được sử dụng nhiều tại hội nghị là “sáng tạo và khát vọng Việt Nam” và khẳng định, Chính phủ sẽ đóng góp vào khát vọng đó. Theo Thủ tướng, Bộ TT&TT đã xác định lại đúng vị trí, vai trò, sứ mạng của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tuyên truyền, đặc biệt, “các đồng chí đã đưa ra được định hướng lớn để làm 'kim chỉ nam' cho sự phát triển của Bộ”. Bộ TT&TT đã tập trung chỉ đạo lĩnh vực công nghệ, công nghiệp và dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, có đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã đóng góp cho ngân sách, tạo nhiều công ăn việc làm, tạo ra một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu và thứ hạng quốc tế. Tuy vậy, theo Thủ tướng, còn một số tồn tại, trước hết, vụ AVG là vụ việc nặng nề, đau lòng, làm chậm đi sự phát triển của ngành, mất nhiều cán bộ. Bộ cần coi đây là bài học đắt giá và cũng từ đây phải mạnh mẽ vươn lên. Thủ tướng cũng nhìn nhận, thứ hạng của Việt Nam về các lĩnh vực thuộc Bộ phụ trách còn thấp, thậm chí có xu thế tụt hạng. ICT đáng lẽ là lĩnh vực đầu tàu thì tốc độ tăng trưởng những năm gần đây chậm lại nhiều, chưa đi đầu về công nghệ, về cách mạng công nghiệp 4.0. Vai trò của một số Sở TT&TT còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều cho địa phương. Nhân hội nghị, Thủ tướng nêu rõ hiện nay chưa có chủ trương sáp nhập Sở TT&TT vào bất cứ sở nào. Đặc biệt, Thủ tướng bày tỏ băn khoăn về việc quản lý mạng xã hội còn nhiều bất cập, chưa tốt. Từ các phân tích nêu trên, Thủ tướng đã chỉ ra các định hướng, trả lời các kiến nghị của Bộ TT&TT trên từng lĩnh vực cụ thể. Thủ tướng đồng ý Bộ TT&TT trình Chính phủ Nghị định về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu; thí điểm tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ, trước hết ở một đơn vị viễn thông. Thủ tướng đồng ý để Bộ nghiên cứu, báo cáo Chính phủ về mô hình trung tâm hoặc tổ hợp báo chí. Đồng ý với phương hướng đầy trách nhiệm, thậm chí là tham vọng về một Việt Nam phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Thủ tướng cho rằng, đây là nhiệm vụ nặng nề. Đó cũng là đặt hàng, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với ngành TT&TT. Trước hết, Việt Nam phải có thứ hạng cao về ICT bởi đây là nền tảng của các lĩnh vực khác, nền tảng của kinh tế số. Thứ hai là khởi nghiệp công nghệ, phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề của Việt Nam, Bộ TT&TT phải dẫn dắt việc phát triển các doanh nghiệp ICT của Việt Nam. Thủ tướng khẳng định rằng, nền kinh tế số, kinh tế dữ liệu chính là một phần quan trọng, tương lai của toàn bộ nền kinh tế. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin sẽ góp phần thay đổi tư duy, hoạt động chính sách, tạo ra kỳ vọng đi tắt đón đầu chưa từng có đối với Việt Nam. Nhiệm vụ này rất quan trọng. Đối với lĩnh vực viễn thông, Thủ tướng đề nghị xử lý triệt để vấn đề sim rác. Thủ tướng nêu rõ, Chủ tịch, Tổng Giám đốc các công ty, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu trách nhiệm cá nhân về sim rác. Sim rác không xử lý được thì hậu quả rất khôn lường. “Chỉ có Việt Nam mua sim dễ dàng như vậy thôi, không có nước nào mua sim dễ dàng như ở Việt Nam. Bộ trưởng phải chỉ đạo các đơn vị có liên quan về viễn thông khắc phục tình trạng này”. Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ TT&TT “bật đèn xanh” cho thử nghiệm mạng 5G, trước hết là tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu sớm triển khai cấp phép tần số 4G và cấp phép thử nghiệm 5G. “Các nước nghe nói Việt Nam cấp phép 5G thì họ cũng rất ngạc nhiên về tiến bộ của chúng ta. Muốn tham gia cách mạng 4.0 thì mạng 4G, 5G vô cùng quan trọng”. Về lĩnh vực công nghệ thông tin, Thủ tướng đề nghị sớm trình Đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của các bộ, ngành, địa phương, giúp Việt Nam có sự bứt phá về phát triển kinh tế số, xã hội số. “Còn quản lý kết nối chia sẻ dữ liệu, tôi đồng ý phải có nghị định về vấn đề này”, Thủ tướng nói. Đặc biệt, cần phải nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử, năm 2020, phải tăng ít nhất 15 bậc về Chính phủ điện tử so với năm 2018. Nhân hội nghị này, Thủ tướng hoan nghênh VPCP, đứng đầu là Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng rất chủ động xây dựng chính phủ điện tử và yêu cầu Bộ TT&TT là chủ công của Chính phủ điện tử, nhất là vấn đề công nghệ. VPCP làm chính sách, đôn đốc kiểm tra, xử lý các vấn đề đặt ra, còn vấn đề công nghệ là Bộ TT&TT. Thủ tướng đồng ý Bộ TT&TT trình Chính phủ và Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng một phần Quỹ Viễn thông công ích cho công nghệ thông tin theo cơ chế của Quỹ, hiện nay có 10.000 tỷ đồng… Bộ cần đề xuất chính sách tạo điều kiện cho khởi nghiệp. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin để phấn đấu đạt mục tiêu có 1 triệu kỹ sư, cả phần cứng và phần mềm, “đào tạo ai, ở các trường nào, viện nào, cần làm rõ” và những nhân tài trong lĩnh vực này đang ở “bìa rừng, góc núi” nào để tìm về đây phát triển lĩnh vực quan trọng này. Về an toàn, an ninh mạng, Thủ tướng nhất trí mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về lĩnh vực này hay mong ước trở thành cường quốc về an ninh mạng. Không để mạng của các cơ quan Đảng, Nhà nước bị tấn công, lấy cắp thông tin. Cần giám sát các đợt tấn công mạng, phát hiện các lỗ hổng an ninh mạng trên toàn quốc và chủ động cảnh báo cho các cơ quan. Đối với công nghiệp ICT, cần có nhiều doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ nhưng cũng phải chú trọng hình thành một số doanh nghiệp công nghệ lớn có thứ hạng toàn cầu. Phải sản xuất được các thiết bị viễn thông, đặc biệt là thiết bị hạ tầng viễn thông. Các nhà mạng Việt Nam phải quan tâm dùng thiết bị của Việt Nam. Đối với thông tin tuyên truyền, Thủ tướng bày tỏ, với vai trò quản lý Nhà nước về báo chí thì Bộ TT&TT phải làm sao báo chí góp phần tạo đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, không được làm giảm đi sức mạnh quốc gia, niềm tự hào, ý chí vươn lên, đoàn kết một lòng. Triển khai nghiêm túc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 sau khi được Thủ tướng phê duyệt. Phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý báo chí tốt hơn nữa. Bộ TT&TT phải sử dụng đồng bộ các biện pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để xử lý các vi phạm của mạng xã hội. Bày tỏ lo ngại về một số biểu hiện gần đây của báo chí như tống tiền doanh nghiệp, một số tờ báo tổ chức "đánh hội đồng" doanh nghiệp và cán bộ có liên quan, moi móc đời tư, vi phạm quyền con người, quyền công dân, vi phạm bảo vệ thương hiệu Việt Nam hay đưa tin giật gân, câu khách, không có động cơ trong sáng… Thủ tướng cho rằng, cần đưa ra các nguyên tắc xử sự, quy tắc nghề nghiệp, chế tài xử lý minh bạch, công khai hơn để chấn chỉnh tình trạng này. Việc phát triển báo chí, quản lý báo chí để phục vụ sự nghiệp đổi mới, đưa Việt Nam "sánh vai với cường quốc năm châu" là việc quan trọng của quản lý Nhà nước về báo chí. Vui mừng với sự phát triển của mạng xã hội Việt Nam, trong đó có mạng Zalo với 45 triệu người sử dụng, Thủ tướng đề nghị tiếp tục xây dựng mạng xã hội Việt Nam có số lượng người dùng không kém mạng xã hội nước ngoài. Bộ TT&TT cần lành mạnh hóa môi trường không gian mạng, người tham gia phải chính danh, xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai, tin vu khống, lợi dụng không gian mạng để chống phá chế độ. Theo Bộ TT&TT, năm 2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu toàn ngành cao hơn tăng trưởng GDP cả nước, đạt khoảng 2,65 triệu tỷ đồng, ước tăng 112,6% so với 2017. Trong lĩnh vực bưu chính, trong năm 2018 lần đầu tiên bộ Mã bưu chính quốc gia được thiết lập làm cơ sở cho việc ứng dụng công nghệ khai thác, chia chọn tự động. Về viễn thông, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực tiến hành số hóa, với khoảng 65% dân số cả nước hiện được xem truyền hình số mặt đất. Trong hoàn cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tăng và tinh vi, năm 2018, Bộ TT&TT đã vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để cảnh báo sớm và xử lý các cuộc tấn công mạng nhằm vào Việt Nam. Việt Nam hiện nay đã sản xuất được 70% các loại thiết bị viễn thông, quyết tâm trở thành nước thứ tư trên thế giới sản xuất được tất cả thiết bị viễn thông và xuất khẩu được. Trong khuôn khổ của Hội nghị, Thủ tướng đã tham quan triển lãm về công nghệ, công nghiệp với sự tham gia trình diễn, demo các sản phẩm về công nghệ cao (AI, IoT, an toàn an ninh mạng...) của các doanh nghiệp. Theo Chinhphu.vn |