Ông Đậu Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. Cần bãi bỏ những quy định vô lý
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà khẳng định, thời gian vừa qua, nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện tốt hơn cho kinh doanh, đầu tư. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, cùng với những Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 mới đây về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp đã thể hiện những nỗ lực cải cách của Chính phủ.
“Trong bối cảnh đó, cần phải rà soát lại tất cả những quy định bất hợp lý, trái ngược nhau, chưa tương thích với Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư không phù hợp với thực tế để sửa đổi, thậm chí là bãi bỏ để tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư, kinh doanh”, ông Hà nhấn mạnh.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn nhận định: việc dùng một luật sửa nhiều luật như kế hoạch soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư kinh doanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì theo chỉ thị của Thủ tướng sẽ tránh được tình trạng “cát cứ thẩm quyền” do việc các Bộ được giao soạn thảo từng bộ luật gây ra. Việc rà soát hệ thống pháp luật liên quan để xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh được thực hiện đối với 37 luật.
Ông Tuấn thừa nhận việc xây dựng Luật này sẽ gặp nhiều thách thức, nhưng vì rất nhiều điều luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh nằm rải rác trong các luật khác đang chồng chéo, mâu thuẫn nhau, gây ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp nên nhất thiết phải rà soát để sửa đổi. “Cộng đồng doanh nghiệp rất phấn khởi khi Chính phủ đã lắng nghe, tiếp thu những kiến nghị của doanh nghiệp và Thủ tướng đã chỉ thị cần phải xây dựng để trình luật này trong thời gian sớm nhất”, ông Tuấn nói. Còn nói như Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, luật sư Trần Hữu Huỳnh thì việc sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh lần này nên được coi là một cuộc “tổng tấn công” vào những gì đang cản trở đầu tư, kinh doanh.
Luật Đầu tư còn cần thiết?
Tại hội thảo, bà Kim Anh, đại diện Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội cho biết về một số vướng mắc của doanh nghiệp đối với quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện nay. Liên quan đến con dấu, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp được tự quyết định mẫu con dấu, tuy nhiên bà Kim Anh cho rằng, quy định doanh nghiệp phải đăng ký mẫu dấu lên cổng thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi có hiệu lực 3 ngày là một quy định làm khó doanh nghiệp. Ngoài ra một số lĩnh vực như công ty luật, bảo hiểm, chứng khoán, công chứng, giám định tư pháp… lại không được tự đăng ký mẫu dấu lên cổng thông tin mà vẫn phải đến đăng ký với cơ quan công an.
Thông tin về phản ánh của doanh nghiệp về việc đăng ký mẫu con dấu trên cổng thông tin, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, đây là một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp hiểu nhầm. Việc công bố mẫu dấu của doanh nghiệp trên cổng thông tin không phải là điều kiện tiên quyết để con dấu có hiệu lực mà việc đăng trên cổng là để cộng đồng kinh doanh biết mẫu dấu này của doanh nghiệp tránh những tranh chấp không đáng có, chứ doanh nghiệp có thể sử dụng con dấu bình thường ngay cả khi chưa đăng ký trên cổng thông tin, khi đó doanh nghiệp chỉ vi phạm quy định về công bố thông tin.
Liên quan đến một số lĩnh vực doanh nghiệp không được đăng ký mẫu con dấu trên cổng thông tin mà vẫn phải đến đăng ký với cơ quan công an, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bản thân bộ cũng rất tiếc khi Điều 3 của Luật Doanh nghiệp 2014 vẫn còn quy định một số trường hợp đặc thù đối với những lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, công ty luật… và trong lần rà soát pháp luật về đầu tư, kinh doanh này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tha thiết mong muốn và đề nghị có một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này.
Ông Trần Anh Đức, Công ty Luật Allen & Overy cho biết những vướng mắc của doanh nghiệp trong thủ tục cấp phép hiện nay. Theo ông Đức, trước đây, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài chỉ có một Giấy chứng nhận đầu tư. Luật mới đã tách ra thành 3 loại giấy phép là giấy chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp thực hiện một số thay đổi kinh doanh lại phải thực hiện sửa đổi 2 hoặc 3 loại giấy phép này. Như vậy nói là luật mới đã thông thoáng nhưng trên thực tế, thủ tục hành chính đối với đầu tư nước ngoài đã bị tăng lên rất nhiều so với trước đây.
Một phần đồng tình với ý kiến này và chia sẻ thêm quan điểm của mình về Luật Đầu tư, luật sư Ngô Việt Hòa, Công ty General Motor đề nghị xóa bỏ Luật Đầu tư và lồng ghép một số nội dung của luật này vào Luật Doanh nghiệp cho đồng nhất và không gây chồng chéo. Một số ý kiến khác tại hội thảo cũng cho rằng nên lồng ghép những nội dung liên quan từ Luật Đầu tư vào những luật chuyên ngành để có một tư tưởng luật thông suốt.
Phát biểu sau khi nghe các ý kiến góp ý tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, sau hội thảo, từ khoảng 30 luật với 100 điều kiện, quy định cần được rà soát theo dự kiến của VCCI, nay số lượng các luật liên quan cần được rà soát đã lên tới khoảng 50 luật với trên 150 điều luật. Ông Lộc khẳng định, VCCI sẽ cùng với các bộ rà soát số lượng văn bản pháp luật này và chính thức đề nghị Quốc hội sớm đưa Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh vào chương trình làm luật. Ông Lộc còn khẳng định ông sẽ kiến nghị Quốc hội mỗi năm, thậm chí mỗi kỳ họp Quốc hội sẽ xem xét, thông qua một luật điều chỉnh những quy định về đầu tư, kinh doanh phát sinh bởi như dẫn chứng của ông, ở Mỹ có nhiều luật chỉ sửa một điều luật nhưng cần phải sửa đổi để phù hợp với môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chia sẻ quan điểm của mình về đề nghị lồng ghép những nội dung của Luật Đầu tư vào các luật chuyên ngành hay có còn cần thiết giữ lại Luật Đầu tư không, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận các ý kiến và sẽ ngồi lại với nhau, thảo luận. “Cá nhân tôi cũng đã từng nghe, nghe rất kỹ hành trình đăng ký đầu tư của một nhà đầu tư, họ bỏ tiền ra để đầu tư mà còn nhiều cửa ải đến thế… Chúng tôi sẽ bàn lại” – ông Đông nói. |