Chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 và các giải pháp phục hồi,ànthiệnthểchếtàichínhhỗtrợthúcđẩypháttriểnkinhtếbxhnha phát triển kinh tế Việt Nam Thủ tướng phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia Tổng kết, đánh giá thực hiện Chiến lược Tài chính giai đoạn đến năm 2020 |
Trong khuôn khổ Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2021, phiên thảo luận 1 với chủ đề Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030 đã diễn ra sáng 16/11 dưới sự điều hành của GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực tài chính quốc gia cho phát triển
Tại phiên thảo luận, trình bày về chiến lược tài chính giai đoạn 2021 -2030, TS. Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho biết Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 - 2030 hướng đến xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia. Thực hiện chính sách động viên hợp lý, cải thiện dư địa chính sách tài khóa, tạo điều kiện thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030.
Với quan điểm và mục tiêu như vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành Tài chính trong thời gian tới, TS Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh chiến lược tài chính giai đoạn 2021 - 2030 cần chú trọng triển khai các nhóm giải pháp.
Đó là, hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực tài chính quốc gia nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thu ngân sách nhà nước (NSNN), hướng tới một hệ thống thu NSNN đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững, đảm bảo nguồn thu NSNN thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính ngoài NSNN.
TS Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính trình bày tại Diễn đàn. |
Nâng cao hiệu quả phân bổ, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững; nâng cao vai trò định hướng của nguồn lực tài chính nhà nước trong đầu tư phát triển kinh tế xã hội; đổi mới cơ chế phân cấp, phân bổ và cơ cấu lại chi NSNN.
Quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi NSNN, nợ công phù hợp với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, khả năng vay - trả nợ của nền kinh tế; từng bước cải thiện dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.
Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là đẩy mạnh giao tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp công lập cùng với đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công. Đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính hiện đại, minh bạch và bền vững; đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin đảm bảo thị trường hoạt động thông suốt, an toàn và ổn định.
Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý giá theo cơ chế thị trường đối với giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, giá các dịch vụ công, dịch vụ chuyển từ cơ chế quản lý phí sang cơ chế giá thị trường…
Rà soát các điểm nghẽn trong đầu tư công
Nêu một số định hướng lớn về phát triển kinh tế xã hội, PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần một định hướng Chiến lược Tài chính phù hợp cả về quy mô nguồn vốn cần huy động lẫn thể chế tài chính mang tính hỗ trợ, thúc đẩy phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, từ nhiều năm qua, quy mô vốn đầu tư thường chiếm khoảng 31 - 34% GDP/năm. Mức độ huy động như trên đối với một nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam là thuộc nhóm trung bình khá. Vì thế, cần cố gắng duy trì ở mức này. Trong cơ cấu vốn đầu tư, nguồn vốn từ NSNN có xu hướng giảm nhẹ, nguồn vốn FDI có yêu cầu chọn lọc cao hơn, vậy nguồn “bù đắp” chính phải là huy động từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước ở trong nước. Một vấn đề nên được lưu ý là, trong 10 năm qua hệ số ICOR trong nền kinh tế Việt Nam tính bình quân còn khá cao (trên 6), cho thấy hiệu quả vốn đầu tư chưa cao. Nếu đạt mức ICOR khoảng 2-3 như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... thời kỳ họ đang tiến hành công nghiệp hóa như ta ngày nay thì vẫn với tổng vốn đầu tư như cũ, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng GDP bình quân cao hơn nữa.
Về thể chế tài chính hỗ trợ phát triển, ông Bùi Đức Thắng nhấn mạnh cần thiết kế hệ thống chính sách cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, với vốn đầu tư công, trong 2-3 năm trước mắt, có thể do tác động của đại dịch Covid-19, một số nhà đầu tư tư nhân còn cân nhắc thận trọng, e dè hơn trong đầu tư, nên đầu tư công lại càng có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, đây là dịp để rà soát lại tất cả các điểm nghẽn chính sách gây cản trở, ách tắc sự lưu thông của nguồn vốn này.
Với nguồn vốn FDI, cần sớm cụ thể hóa thành các chính sách cụ thể theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị.
Còn với nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước ở trong nước, cần có chính sách huy động thật tốt nguồn vốn này bởi về lâu dài, đây là nguồn vốn có nghĩa quyết định nhất đến sự phát triển bền vững của đất nước. “Có lẽ nội dung này cũng phải là một trong những nội dung chủ yếu của Chiến lược tài chính trong thời gian tới”, PGS.TS Bùi Tất Thắng đề nghị.
TS Cấn Văn Lực trình bày tại Diễn đàn |
Ngành Tài chính chưa bao giờ đứng trước thách thức lớn như hiện nay
Tham gia phiên thảo luận, TS Cấn Văn Lực đánh giá ngành Tài chính chưa bao giờ đứng trước thách thức lớn như hiện nay, cả về thu, chi và tính hiệu quả. Nhìn lại 10 năm, TS Cấn Văn Lực cho rằng chúng ta đã phát triển rất nhanh, bình quân quy mô thị trường tài chính tăng đều 18% (gồm cả ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Quy mô thị trường tài chính đến cuối năm 2017 đã gấp 3 lần quy mô nền kinh tế và đến tháng 9 năm 2021 đạt 270% GDP (theo GDP đã điều chỉnh).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được có những vấn đề cần lưu ý. Đó là ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn chính, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ, thị trường bảo hiểm còn nhiều dư địa phát triển. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có đánh giá kỹ lưỡng về rủi ro hệ thống, về sự lan truyền chéo giữa ngân hàng, chứng khoán… Trong khi tài chính số phát triển rất nhanh thì dữ liệu về chuyển đổi số còn manh mún.
Đồng tình với những mục tiêu đặt ra trong Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021 – 2030, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh vấn đề phải tập trung là phục hồi và phát triển kinh tế xanh. Trong đó, phải giải quyết được vấn đề chính sách tài chính - tiền tệ phục hồi kinh tế thế nào, hướng tới phát triển xanh ra sao? Các chính sách phối hợp như thế nào, kiểm soát rủi ro ra sao để sau khi tung ra các gói này gói kia thì sau 2, 3 năm nền kinh tế quay về quỹ đạo phát triển ổn định.
Đây cũng chính là chủ đề sẽ thảo luận chính trong phiên thảo luận 2 của Diễn đàn vào chiều 16/11 với chủ đề “Giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam”. Thời báo Tài chính Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả về nội dung phiên thảo luận này.