Chính sách trợ giúp xã hội còn phân tán
Theo số liệu của Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (TCHCSN), Bộ Tài chính, giai đoạn 2012-2018 ngân sách nhà nước (NSNN) bố trí cho lĩnh vực đảm bảo xã hội khoảng 768.850 tỷ đồng, bằng 12-14% tổng chi thường xuyên, cao thứ 2 sau giáo dục đào tạo và dạy nghề. Trong đó, 78% số kinh phí trên dùng để chi thực hiện chính sách ưu đãi cho người có công với cách mạng, chi lương hưu, trợ giúp các đối tượng trợ giúp xã hội.
Tính đến năm 2018, hiện cả nước có khoảng 3,179 triệu đối tượng trợ giúp xã hội. Trong năm 2018, ngân sách trung ương đã bố trí chi cân đối ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách về trợ giúp xã hội là 17.388 tỷ đồng.
Theo Vụ TCHCSN, NSNN đã bố trí đủ, kịp thời để thực hiện chính sách ASXH. Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện các chính sách ASXH vẫn còn một số vướng mắc.
Theo bà Đỗ Minh Hoài - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), một trong những khó khăn trong thực hiện chính sách ASXH hiện nay là chính sách trợ giúp xã hội ở Việt Nam còn phân tán, do nhiều cơ quan/ngành khác nhau ban hành và quản lý.
Chẳng hạn, các chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội do Bộ LĐTBXH quản lý; các chính sách hỗ trợ chi phí học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, chính sách hỗ trợ về y tế do Bộ Y tế quản lý…Mỗi chính sách lại có cơ chế xác định, quản lý đối tượng và chi trả trợ cấp khác khau. Giữa các cơ quan ban hành và quản lý chính sách trợ giúp xã hội khác nhau không có cơ chế chia sẻ thông tin về đối tượng thụ hưởng và kết quả thực hiện chính sách.
Cùng với đó, các chính sách khác nhau lại có các cơ sở dữ liệu khác nhau. Hồ sơ bằng giấy còn phổ biến ở các địa phương và mỗi chính sách có một cấu trúc báo cáo khác nhau, có rất ít luồng thông tin giữa các chính sách này được chia sẻ, thậm chí khi các chính sách này có cùng đối tượng thụ hưởng.
Cũng theo bà Hoài, hiện nay Việt Nam còn đang thiếu một cơ sở dữ liệu quốc gia về trợ giúp xã hội và một phần mềm thông tin quản lý hiện đại để theo dõi, quản lý đối tượng thụ hưởng các chính sách trợ giúp xã hội. Việc này đã làm tăng khối lượng công việc của cán bộ địa phương, chi phí hành chính cho công tác theo dõi, giảm sự minh bạch trong việc thực thi chính sách…
Quản lý qua thẻ ASXH
Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 phê duyệt Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách ASXH đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 708).
Đến nay, theo báo cáo, các địa phương cơ bản đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án 708. Một số địa phương có điều kiện như Hà Nội, Quảng Ninh đã bố trí ngân sách để ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ASXH phục vụ cho công tác quản lý.
Bộ LĐTBXH đang phối hợp với một số bộ, đơn vị có liên quan xây dựng dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách ASXH” trình Thủ tướng chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới nhằm hiện đại hóa, chuẩn hóa quy trình, thủ tục giải quyết chính sách, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.
Đồng thời, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) và UBND tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách ASXH và chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội thông qua hệ thống thanh toán điện tử tại địa bàn một số huyện từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2019. Trên cơ sở thí điểm sẽ sơ kết, đánh giá để nhân rộng phạm vi thực hiện trong cả nước giai đoạn tới.
Theo ông Hồi, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, giảm tải công việc cho các bộ, ngành; đơn giản hóa thủ tục đăng ký thụ hưởng các chính sách ASXH, tích hợp nhiều chế độ nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường tiện ích cho người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến.
Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước các cấp có thể kiểm tra, đối chiếu nhận dạng cá nhân đơn giản, chính xác bằng mã số hoặc thẻ ASXH; sử dụng thẻ ASXH thực hiện các giao dịch xin cấp hộ chiếu, bằng lái xe, đóng phí bảo hiểm, đóng thuế. Cơ quan cung cấp dịch vụ công có thể trực tiếp đảm nhận hỗ trợ người dân trong đăng ký, hoàn thiện hồ sơ giải quyết các chính sách, chế độ ASXH chính xác, kịp thời.
“Hàng năm sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho người dân trong việc tuân thủ thủ tục hành chính để hưởng chính sách ASXH”- ông Hồi nhấn mạnh./.
Bùi Tư