Đi khẩn hoang,ườiVịThanhvmốiquanhệtronggiađdự đoán ngày hôm nay lập nghiệp - ngoài hành trang là tài lực, vật lực; bao lớp cư dân còn mang theo cả vốn liếng, đạo đức, luân lý gia đình, kết tinh từ ngàn năm qua. Trên nền tảng truyền thống đó, vào vùng đất Hỏa Lựu - Vị Thanh, việc tổ chức sinh hoạt gia đình càng gắn kết hơn, trước hoàn cảnh “tứ cố vô thân”. Một gia đình ở thành phố Vị Thanh quây quần gói bánh tét trong dịp tết. Theo đó, các mối quan hệ ông, bà, cha, mẹ, con, cháu,... luôn được củng cố bền vững. Trong gia đình, người chồng, người cha giữ vai trò trụ cột, gánh vác trách nhiệm nặng nề, nên là người quyết định các việc hệ trọng trong nhà. Tất nhiên, để thích nghi với hoàn cảnh mới, đôi khi tiếng nói của người mẹ, người vợ cùng con cái vẫn được lắng nghe, tôn trọng. Nhìn chung, mối quan hệ gia đình của người Vị Thanh không đến nỗi quá khắt khe, quá phân biệt nam, nữ. Bởi mọi người mãi lo làm kinh tế, không mấy vướng bận các lề thói cũ của nho giáo, dần dần hạn chế phổ biến trong cộng đồng. Từ đó, trong sinh hoạt gia đình người ta tự lược bỏ các hủ tục, châm chước các lễ thức gò bó trong việc cưới, việc tang, cúng kiếng ở đình, chùa, miễu,... Trong gia đình, cha, mẹ có trách nhiệm dưỡng nuôi, giáo dục con cái. Khi trưởng thành lo việc “dựng vợ, gả chồng”, hướng dẫn cách thức làm ăn. Đổi lại, con cái phải sống theo khuôn phép, không làm điều trái “luân thường đạo lý”; nhất là phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Làng xóm ở Hỏa Lựu - Vị Thanh xưa, không sống theo hương ước như ở miền ngoài, nhưng vẫn có những ràng buộc đạo lý bất thành văn, trong sinh hoạt ngay cộng đồng, cũng như tại gia đình. Thời xưa, việc hôn nhân hầu như do cha mẹ định đoạt. Về sau, tiến bộ hơn, trai gái có thể tìm hiểu, thương nhau, đồng ý kết hôn, cha mẹ chỉ đứng ra tác hợp. Trong các gia đình xưa, vợ chồng thường nhường nhịn nhau như câu nói dân gian “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn”, nên ít xảy ra tình trạng ly thân, ly dị. Dân gian quan niệm một lần nhóm lửa một lần khó, nên phải ăn ở với nhau đến răng long đầu bạc. Tuy phụ nữ có vai trò thứ yếu, nhưng ngoài việc nội trợ, nuôi dạy con cái - người vợ thường được giao quản lý tài sản gia đình, chi tiêu hàng ngày. Đối với con cái, theo truyền thống xưa: Người lớn nhất là anh hai, chị hai; người nhỏ nhất kêu là út, “giàu út ăn, khó út chịu”. Đó là quan niệm coi trọng con trai, con út. Người con út thường giữ vai trò kế thừa đất đai hương hỏa, phụng dưỡng cha mẹ, nên có quyền thừa kế gia sản. Ngày nay, theo đà tiến bộ xã hội, việc phân chia tài sản khi cha mẹ qua đời có thông thoáng, công bằng hơn đối với mọi thành viên trong gia đình, kể cả con gái cũng có phần thừa kế. Theo thông lệ, tuy phần nào đó chưa công bằng, nhưng mọi thành viên thường chấp nhận, nên rất ít xảy ra việc tranh giành tài sản, tranh chấp ruộng đất, nhà cửa. Đáng chú ý, trong gia đình truyền thống của người Vị Thanh, có khi đến 3-4 thế hệ cùng sinh sống trong một ngôi nhà, hoặc một cụm 5-3 ngôi nhà trong khuôn viên vườn - ruộng. Đó là các gia đình khá giả, nhiều ruộng đất, con cái đã trưởng thành được cha mẹ cho “ra riêng” để tập tành làm ăn, dưới sự hướng dẫn, trông coi, giám sát của cha mẹ. Đây là kiểu chuyển giao thế hệ khá bài bản và thông minh của các bậc tiền nhân, góp phần giáo dục, làm nên sự thành công của bao thế hệ gia đình trẻ Vị Thanh. Ngoài các mối quan hệ trong gia đình, người Vị Thanh rất trân trọng các mối quan hệ gia tộc, họ hàng gọi là bà con gần hay bà con xa, là những người cùng họ nội, hay họ ngoại. Theo đó, vai vế được phân chia cách gọi như sau: Con cái thường gọi cha mẹ là “ba má”, “tía má” hoặc “cha má”,... Anh của cha, kêu là bác; em trai của cha kêu là chú. Chị, em gái của cha kêu là cô. Vợ của bác kêu là bác gái; vợ của chú kêu là thím. Anh trai, em trai của mẹ gọi là cậu. Vợ của cậu kêu là mợ. Chị, em gái của mẹ gọi là dì, chồng của dì gọi là dượng. Điều đáng quý nhất, là tình yêu thương trong gia đình mà từ thời xưa đã thành nền móng vững chắc, đó là: tình nghĩa vợ chồng, tình nghĩa cha con; mẹ con; tình nghĩa anh - em; chị - em,... là người thân trong gia đình ai cũng phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau. Con cái đi làm ăn xa, tới ngày giỗ, ngày tết phải về quê, về nhà đoàn tụ cùng gia đình. Trong cộng đồng người Khmer, người Hoa, các giá trị về gia đình có nhiều điểm tương đồng với văn hóa người Kinh. Gặp thời buổi chiến tranh, nhiều gia đình ly tán, nhưng giá trị gia đình luôn bền vững. Người cán bộ đi tập kết ngoài Bắc, đi kháng chiến khắp nơi, lòng vẫn hướng về gia đình, nên thường viết thư thăm hỏi, động viên, hẹn ngày hòa bình, gia đình đoàn tụ. Bước sang thời kỳ hòa bình, cuộc sống hiện đại hóa, tính bền vững của gia đình trở thành vấn đề, mối quan tâm chung của đất nước, của toàn xã hội. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những cặp vợ chồng ly hôn, thiếu trách nhiệm giáo dục con cái, dẫn đến tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, nền tảng đạo đức truyền thống bị xuống cấp,... Thành phố Vị Thanh cũng nằm trong tình trạng chung, đang thực thi nhiều giải pháp, biện pháp để củng cố, giữ gìn, phát huy các giá trị gia đình truyền thống. Đồng thời, xây dựng gia đình hiện đại một cách hài hòa, bền vững, đồng hành với công cuộc xây dựng và phát triển thành phố quê hương ngày nay. VỊ THANH |