CBCC Hải quan Hữu Nghị (Lạng Sơn) kiểm tra xe ô tô NK. Ảnh minh họa. Ảnh: H.Nụ Theo công ty này, DN có NK 1 chiếc xe máy chuyên dụng (hàng đã qua sử dụng) là máy đào bánh lốp PW 160-7 hiệu KOMATSU sản xuất tại Cộng hòa Liên bang Đức. Sau khi hàng về đến cảng Việt Nam, DN đã đăng ký kiểm tra chất lượng tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Tuy nhiên, khi kiểm tra chất lượng Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện, nhà sản xuất đã đóng lại số khung và có kèm ê tơ két nguyên bản gắn theo xe trùng với số khung đã được nhà máy đóng lại trước khi xuất xưởng.
Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận, việc tẩy xóa số khung bằng nét gạch chéo và số khung đóng lại đều do nhà sản xuất đóng. DN đã liên hệ với nhà máy chế tại và được xác nhận: trong quá trình sản xuất do lỗi đánh máy, nên chiếc máy chuyên dụng đã bị đóng thừa chữ, do vậy nhà máy đã xóa bỏ dòng trên và đóng lại dòng dưới. DN khẳng định, việc nhà máy đóng lại số khung trước khi xuất xưởng không bắt nguồn từ yếu tố chất lượng, gian lận thương mại hay lừa đảo, việc đóng lại số khung hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn, quy định của hang sản xuất và pháp luật của các nước khác, do vậy bên sản xuất không bắt buộc phải thông báo cho DN biết trước khi giao hàng.
Theo DN, tuy Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định việc đóng lại số khung là do nhà sản xuất, nhưng Cục Đăng kiểm Việt Nam căn cứ quy định tại Điều 14 Thông tư 89/2013/TT-BGTVT và Nghị định 45/2016/NĐ-CP nên coi DN đã vi phạm quy định tại Nghị định 187/2013/NĐ-CP và không tạo điều kiện để DN tiếp tục được thông quan mà vô tình coi chiếc xe DN NK là tang vật vi phạm.
Do đó, DN đề nghị, không xử lý vi phạm pháp luật đối với trường hợp NK chiếc xe chuyên dụng và cho phép DN tiếp tục các thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe máy chuyên dụng NK, đồng thời được thông quan theo quy định.
Giải quyết thắc mắc này của DN, theo Tổng cục Hải quan, tại Thông báo số 16VMC/200010 của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chiếc xe NK của DN có số khung bị tẩy xóa, đóng lại nên thuộc Danh mục hàng hóa cấm NK theo quy định tại Điểm c, Khoản 7 Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Hành vi NK hàng cấm NK bị xử phạt theo quy định tại Điểm b, Khoản 5, Khoản 6 Điều 14 Nghị định 127/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ dung tại Nghị định số 45/2016/NĐ-CP).
Căn cứ quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định 187/2013/NĐ-CP, việc cho phép NK hàng hóa thuộc Danh mục cấm NK và không xử lý vi phạm không thuộc thẩm quyền của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính. |