"Năm 2016, hệ thống dịch vụ công trực truyến (phần mềm một cửa điện tử) sẽ hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, cơ quan một cửa hiện đại tại 3 đơn vị: TP Cà Mau, huyện Năm Căn và Cái Nước", Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết.
"Năm 2016, hệ thống dịch vụ công trực truyến (phần mềm một cửa điện tử) sẽ hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, cơ quan một cửa hiện đại tại 3 đơn vị: TP Cà Mau, huyện Năm Căn và Cái Nước", Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết.
Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông của tỉnh Cà Mau có bước phát triển khá, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế, xã hội. Ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Xử lý văn bản trên môi trường mạng hiện có 424 cơ quan và có trên 6.700 người đang sử dụng (bao gồm cơ quan Ðảng, Nhà nước, đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, các hội đặc thù cấp tỉnh, cấp huyện và UBND cấp xã).
Mô hình Trung tâm Giải quyết TTHC của tỉnh dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 8 tới. |
Thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan Ðảng, Nhà nước được thông suốt qua môi trường mạng máy tính từ tỉnh đến cơ sở. Ứng dụng quản lý văn bản, điều hành (VIC) đã kết nối, liên thông thành công với trục liên thông thử nghiệm của Chính phủ, thông qua mã định danh. Sẵn sàng kết nối với bộ, ngành và các tỉnh, thành địa phương trong cả nước (đạt mục tiêu của Chính phủ đến hết năm 2017). Ðây là tiền đề rất cơ bản cho việc hình hành chính quyền điện tử bước tiếp theo.
Tuy nhiên, việc phát triển CNTT trong cải cách hành chính kết quả chưa cao. Có triển khai nhiều mô hình thí điểm ứng dụng như: một cửa, một cửa liên thông; ISO điện tử; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3… nhưng chưa hoàn thiện, lại thiếu tuyên truyền, quảng bá nên hiệu quả chưa như mong muốn. Hạ tầng CNTT và truyền thông của tỉnh được quan tâm đầu tư xây dựng, trung tâm lưu trữ dữ liệu của tỉnh đã được ưu tiên xây dựng nhưng chỉ mới hoàn thiện ở mức cơ bản, chưa có hệ thống sao lưu, vận hành song song nên tính ổn định phục vụ của các dịch vụ chưa cao.
Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đường truyền internet băng rộng (ADSL, FTTH, 3G…); hầu hết các cơ quan Ðảng, Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều có máy tính kết nối internet. Ðây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng CNTT thông qua môi trường mạng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.627 loại thủ tục hành chính (TTHC), trong đó, cấp tỉnh 1.252 thủ tục, cấp huyện 233 thủ tục và cấp xã 142 thủ tục. Trung bình mỗi năm các sở, ban, ngành cấp tỉnh giải quyết 60.000 lượt thủ tục; cấp huyện 82.500 lượt thủ tục và cấp xã giải quyết 405.000 lượt thủ tục. Qua số liệu trên cho thấy, số lượt người đến giải quyết TTHC cấp tỉnh bình quân mỗi ngày 230 lượt người; số lượt người đến một cửa cấp huyện 35 lượt; số lượt người đến một cửa cấp xã 15.
Ông Chính cho biết thêm, với mô hình tập trung (Trung tâm Giải quyết TTHC), người dân có thể thực hiện nhiều giao dịch cùng một chỗ, từ đó giảm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại của tổ chức, công dân đến từng công sở. Ðồng thời, khai thác tối đa cơ sở hạ tầng dùng chung; giảm nhiều chi phí triển khai các ứng dụng CNTT, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Khi Trung tâm Giải quyết TTHC cấp tỉnh đi vào hoạt động sẽ có khoảng 80% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 30% trực tuyến mức độ 4. Lúc đó, 80% TTHC của tỉnh được đưa vào trung tâm. Ðối với cấp huyện, sẽ có 70% TTHC của huyện được đưa vào các cơ quan một cửa hiện đại cấp huyện đã triển khai, trong đó khoảng 70% TTHC được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 20% trực tuyến mức độ 4.
Thực hiện mô hình này, lãnh đạo kiểm soát được thái độ làm việc của công chức, viên chức, những người trực tiếp tiếp xúc với dân qua hệ thống giám sát tại trung tâm, đồng thời, công chức, viên chức cũng cảm nhận đánh giá đúng năng lực của mình. Từ đó, làm động cơ phấn đấu để hoàn thiện chính mình, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, môi trường này sẽ tác động tích cực, trực tiếp đến ý thức, thái độ phục vụ của công chức, viên chức trong suốt quá trình thực thi công vụ tại trung tâm. Từ đó, tạo bước đột phá trong cải cách TTHC công, phục vụ thiết thực cho tổ chức, công dân trong thực hiện TTHC của mình đối với quy định của Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, hướng tới một nền hành chính hiện đại, minh bạch, thiết thực./.
Bài và ảnh: Hồng Phượng