Định giá rẻ cả chục triệu USD
TheĐịnhgiáthươnghiệngoại hạng ano ông Samir Dixit, Giám đốc Vùng châu Á-Thái Bình Dương Công ty Brand Finance, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu như hiện nay, việc định giá thương hiệu có ý nghĩa rất quan trọng tại Việt Nam. Định giá thương hiệu theo tiêu chuẩn tài chính sẽ góp phần giảm thiểu cho Nhà nước về thất thoát trong quá trình cổ phần hóa cũng như tránh cho DN thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, M&A... “Tuy nhiên, trong 3 năm vừa qua, ở các thương vụ M&A, khâu định giá DN của Việt Nam có hiệu quả kém. DN nhận được số tiền thấp hơn nhiều so với con số mà họ đáng ra được hưởng. So với mức trung bình trong khu vực ASEAN, các DN Việt Nam bị định giá thấp hơn. Có những công ty nước ngoài tăng trưởng thấp hơn DN Việt Nam cùng ngành song nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua. Đó là bởi, họ được định giá thương hiệu và tài sản đúng đắn hơn so với Việt Nam. Khi đầu tư vào một quốc gia, nhà đầu tư xem xét tăng trưởng GDP, mức độ trẻ hóa của nền dân số bao nhiêu, tính ổn định của đồng nội tệ so với đồng USD… Việt Nam có được tất cả, nhưng lợi nhuận thu được từ các thương vụ thì lại thấp”, ông Samir Dixit nói.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty CP Mibrand đánh giá: Trên thế giới, đánh giá thương hiệu là hoạt động phổ biến, nhất là trong M&A. Còn tại Việt Nam, định giá thương hiệu là khái niệm tương đối mới với các DN. “Ở Việt Nam, làn sóng M&A xảy ra nhưng có vẻ như chúng ta đã lỡ khá nhiều giá trị thương hiệu được đánh giá chuẩn theo quy định của quốc tế. Dù khó đưa ngay ra con số tổng kết chính xác, song có thể đưa ra ví dụ điển hình là trường hợp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Trước đây, đã có đợt M&A giữa nhà đầu tư Nhật Bản với Vietnam Airlines. Theo tính toán của Brand Finance, trong thương vụ đó, lẽ ra nhà đầu tư Nhật Bản phải trả thêm hơn 10 triệu USD nữa mới xứng đáng cho giá trị của Vietnam Airlines. Trong các thương vụ M&A, DN Việt Nam đã có thể thu về nhiều tiền hơn từ các nhà đầu tư. Không quan tâm đúng mức tới định giá thương hiệu sẽ khiến DN tổn thất lớn”, ông Mạnh nói.
Theo ông Mạnh, một ví dụ điển hình nữa thể hiện rõ nét sự thua thiệt khi định giá thương hiệu là trường hợp cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Cụ thể, thương hiệu của hãng phim được định giá chỉ 0 đồng. Đây là một sai lầm bởi bất kỳ đơn vị nào cũng có tài sản vô hình và hữu hình nên đều có thể định giá, dù ít hay nhiều.
Cần cơ sở pháp lý rõ ràng
Mặc dù quan trọng nhưng tại sao việc định giá thương hiệu của các DN Việt Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế, thậm chí dẫn tới thua thiệt? Đáp lại câu hỏi này, ông Lại Tiến Mạnh cho rằng: Có hai lý do cơ bản. Thứ nhất là bởi quy định pháp lý tại Việt Nam chưa rõ ràng, chặt chẽ. Các công ty rất lúng túng, nhất là khi tiến hành M&A, không biết nên định giá DN thế nào. Thứ hai, chuyên môn, năng lực của các công ty trong nước ở khâu định giá thương hiệu chưa cao.
“Trong trường hợp định giá thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam 0 đồng như trên, rõ ràng đã có những lỗ hổng về quy định pháp lý. Tình trạng đó sẽ không xảy ra nếu chúng ta quy định rõ ràng trong các vụ mua bán sáp nhập hay cổ phần hóa DN rằng, khi tính toán giá trị đơn vị cần cân đối và phân định rõ ở hai nhóm tài sản khác nhau là hữu hình và vô hình. Trong đó, các nhà đầu tư có thể tính toán được tài sản vô hình”, ông Mạnh nói.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lại Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam, đồng sáng lập Diễn dàn M&A Vietnam cho hay: Ở Việt Nam tuy đã có hoạt động định giá thương hiệu, song chủ yếu tự phát, tự các bên thỏa thuận với nhau. Trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước, không ít bài học rút ra cho thấy, tài sản vô hình nhiều khi bị bỏ quên. “Một trong những nguyên nhân định giá thương hiệu DN Việt Nam hạn chế là bởi, trong quy định pháp lý về định giá tài sản vô hình, chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể về định giá thương hiệu như thế nào. Vấn đề cơ sở góp vốn thương hiệu hiện nay cũng chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin của các DN Việt Nam không đơn giản. Trên thực tế, ngoài báo cáo tài chính, các nhà định giá thương hiệu rất khó tiếp cận thông tin chi tiết của DN như những kế hoạch kinh doanh trong tương lai... Ngay cả các thông tin, chỉ số so sánh của DN trong ngành cũng khó tìm. Thông thường, khi định giá thương hiệu ở Việt Nam, đơn vị định giá lại phải tham khảo ở nước ngoài”, ông Minh nói.
Ông Minh kiến nghị trong thời gian tới Nhà nước cần ban hành cơ sở pháp lý rõ ràng hơn về định giá thương hiệu với những hướng dẫn chi tiết. Ví dụ, các tiêu chuẩn thế nào, các bước định giá, thu thập thông tin ra sao… Với quản lý thương hiệu trong quá trình cổ phần hóa DN nhà nước, ngoài các nhà tư vấn định giá, quan trọng nhất là phải tiến hành đấu giá minh bạch và bán theo lộ trình, nhằm hạn chế tình trạng định giá thấp tài sản thương hiệu.
Một số chuyên gia góp ý, để quá trình định giá thương hiệu đạt hiệu quả cao hơn, ở Việt Nam hiện nay, sự tham gia của các tổ chức định giá quốc tế rất quan trọng. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ các công việc này. Với DN, mỗi DN cần xây dựng chiến lược về bảo vệ, mua lại, phát triển thương hiệu. Các DN không chỉ phát triển thương hiệu của mình mà có thể dựa vào M&A để phát triển thương hiệu nhánh. DN cũng cần xác định mức giá hợp lý trong M&A.
Báo cáo của Công ty Brand Finance được công bố ngày 4/12 cho thấy: Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu Việt Nam 2017 được ghi nhận đạt 11,279 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2016. Trong đó chỉ riêng Top 10 chiếm 68% tổng giá trị của 50 thương hiệu. Viettel là đơn vị đứng đầu trong “Top 50 thương hiệu Việt Nam” năm 2017, được định giá 2.569 triệu USD. |