Uống rượu pha mật động vật đang được nhiều người sử dụng, bất chấp những cảnh báo nguy hại đến sức khỏe
Suýt chết vì “đơn thuốc” truyền miệng
Thông tin từ Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai ( Hà Nội), thời gian qua bệnh viện này đã tiếp nhận không ít bệnh nhân đến cấp cứu vì ngộ độc do uống mật động vật sống với mục đích “bồi bổ”.
Bác sỹ Nguyễn Đàm Chính (Khoa chống độc, Bệnh viện bạch Mai) cho hay, nạn nhân của các vụ ngộ độc được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện đều có chung một triệu chứng như: đau bụng, tiêu chảy, mắt, da vàng và khi xét nghiệm cho thấy men gan cao gấp hàng trăm lần bình thường. Nhiều trường hợp gan bị tổn thương nặng vì viêm gan cấp, dẫn đến nguy hiểm đến tính mạng.
“Có trường hợp vì uống rượu mật cá trắm dẫn đến thận suy gây phù, ứ nước trong cơ thể khiến bệnh nhân có thể tử vong vì phù phổi cấp”, bác sỹ Chính cho biết.
Hiện nay tình trạng sử dụng và lạm dụng mật động vật để bồi bổ sức khỏe diễn ra hết sức phổ biến. Đa phần những loại mật được dùng để pha cùng rượu trong các bữa nhậu được nhiều người uống với mục đích “để tốt cho sức khỏe”. Tuy nhiên, theo ghi nhận của các bác sỹ Khoa chống độc, bệnh viện Bạch Mai thì hầu hết các bệnh nhân đưa vào viện cấp cứu đều sử dụng mật để bồi bổ hoặc trị bệnh đều theo truyền miệng chứ không có hướng dẫn tin cậy nào.
“Mật các loại động vật được nhiều người cho là có tác dụng chữa bệnh hay bồi bổ như: ba ba, cá trắm, gấu, rắn thậm chí là mật gia cầm cũng được pha với rượu để uống. Điều này rất nguy hiểm vì mật động vật nơi chứa rất nhiều vi khuẩn nên mật gấu có thể bị nhiễm vi khuẩn, nếu uống sống dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn…”, bác sỹ Chính cho biết.
Sử dụng mật động vật bừa bãi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đưa mầm bệnh vào cơ thể
Hiểm họa khôn lường
Mới đây, Khoa chống độc, Bệnh viện Bạch Mai mới tiếp nhận một bệnh nhân tên H. 17 tuổi cấp cứu vì ngộ độc mật cá trắm. Người nhà của bệnh nhân cho biết vì mong muốn H. có sức khỏe tốt nên nhân dịp gia đình có làm một con cá trắm đen to, đã ưu tiên dành nguyên mật cá cho H. uống bồi bổ. Sau khi uống mật cá vài giờ, bệnh nhân đau bụng, nôn nhưng gia đình chỉ nghĩ là bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa bình thường. Sau đó H. tiếp tục nôn và càng đau bụng dữ dội nên được đưa đến bệnh viện. Bệnh nhân vào cấp cứu trong tình trạng gan bị nhiễm độc. Bác sỹ kết luận, bệnh nhân H. bị tổn thương gan nặng do ngộ độc mật cá trắm.
Tiến sỹ y học Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết: mật động vật nào cũng chứa a-xít, mà a-xít này rất độc nếu ở liều cao, đậm đặc. Trong quá trình hoạt động, mật chỉ tiết ra một lượng nhỏ vừa đủ giúp tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, nếu đưa một lượng mật - dù của loại động vật nào - vào cơ thể cao hơn mức bình thường đều sẽ gây ngộ độc.
“Trong cơ thể chúng ta cũng có mật, thông thường mật này đã đủ để đảm đương cho hoạt động tiêu hóa thức ăn hằng ngày. Do đó có thể nói đưa thêm lượng mật bên ngoài vào là không cần thiết”, tiến sỹ Duệ nói.
Tiến sỹ Duệ cũng cảnh báo, mật người còn có khi viêm nhiễm thì mật động vật cũng thế. Khi chúng ta uống phải mật bị bệnh của động vật bị bệnh chính là chúng ta đã đưa mầm bệnh, vi khuẩn vào cơ thể.
Uyên Chi
Mua hàng online: Cẩn thận với “hàng xịn giá bèo”