【kèo mu vs】Doanh nghiệp trẻ: Đổi mới, sáng tạo để thành công
Tạo khác biệt
Với bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, chia sẻ tại buổi tọa đàm “Doanh nhân trẻ dựng xây đất nước: Đổi mới sáng tạo” trong chuỗi chương trình tôn vinh Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2015, các lãnh đạo DN trẻ và nhiều chuyên gia cho rằng, để khẳng định mình, DN phải có những chuyển hướng, đổi mới và tạo được sự khác biệt. Đặc biệt, người lãnh đạo DN phải tìm ra được mô hình kinh doanh tạo sự bền vững, lâu dài, xác định lĩnh vực nào sẽ có lợi thế...
Đối với một số DN trẻ, kinh nghiệm thành công là phải “dám nghĩ dám làm”, dám chấp nhận mạo hiểm. Tiêu biểu trong số này là trường hợp của Công ty TNHH MTV K&Y (DN chuyên sản xuất quà tặng, mũ bảo hiểm tại Đồng Tháp), với nguồn vốn thành lập ban đầu khá ít ỏi, cộng thêm những điều kiện kinh doanh hạn chế, thế nhưng, người “thuyền trưởng” của DN này đã tìm được cách để lèo lái DN khẳng định được vị thế của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lương Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Công ty K&Y cho biết, Đồng Tháp là một tỉnh cách TP.HCM khoảng 170km, không nhiều thuận tiện cho giao thương và Đồng Tháp cũng là một tỉnh mà các DN chủ yếu làm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Do đó, lĩnh vực kinh doanh, sản xuất mà Công ty lựa chọn được đánh giá là khá mạo hiểm. Tuy nhiên, sự lựa chọn này lại giúp Công ty gặp ít cạnh tranh hơn khi tiếp cận khách hàng. Hơn nữa, Công ty đã chú trọng vào việc cải tiến dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị theo tiêu chuẩn quốc tế, đưa sản phẩm đạt chất lượng của Bộ Khoa học & Công nghệ. Chính vì vậy, dù chỉ mới thành lập được 3 năm nhưng Công ty đã có mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Hiện Công ty đã hướng tới XK vào cuối năm nay để tranh thủ những Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết.
Ông Duy Thông cũng cho hay, khi mới thành lập, vì là DN phát triển theo hướng mới nên việc tiếp cận công nghệ gặp rất nhiều khó khăn, Công ty đã phải tìm hiểu từ một số DN đi trước, nhiều khi phải “học lén” cách kinh doanh của họ để lựa chọn phương án tối ưu nhất cho điều kiện thực tế của DN mình. Bên cạnh đó, Công ty cũng tăng cường tìm kiếm đối tác hỗ trợ đầu tư về nguyên liệu, kỹ thuật. “Nhưng theo tôi, điều tối quan trọng là DN phải có được các mối quan hệ càng nhiều, càng sâu rộng thì việc kinh doanh sẽ thuận lợi hơn”, ông Thông chia sẻ.
Cần gỡ khó
Nhận xét về vấn đề đổi mới, sáng tạo của những doanh nhân trẻ hiện nay, theo đánh giá của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam: “Ở nước ta, hệ thống sáng tạo, tinh thần cạnh tranh còn rất yếu. Hơn nữa, khi doanh nhân trẻ khởi nghiệp, đó như là chuyện của cá nhân họ mà chưa có nhiều sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý”.
Trên thực tế, DN nào khi mới thành lập cũng đều hiểu phải có đổi mới, sáng tạo và phương án kinh doanh mới mẻ thì mới dễ dàng trụ vững trên thương trường đầy khó khăn như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Trường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Séc (DN chuyên chế biến, XK đồ gỗ nội thất tại Đà Nẵng) cho rằng, phương án kinh doanh mà Công ty lựa chọn là NK gỗ nguyên liệu từ Hoa Kỳ và một số quốc gia khác, sau đó chế biến để XK nhằm tăng giá trị gia tăng. Muốn đạt chất lượng XK thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế, vì thế, Công ty xác định 5 năm đầu là giai đoạn tìm kiếm, sàng lọc nguồn đầu tư để thực hiện những đề án phát triển dài hạn. Công ty lựa chọn chú trọng đầu tư vào con người trước sau đó mới đến đầu tư vào công nghệ, cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hóa.
“Có thể nói, thành lập được DN là người lãnh đạo đã có tư duy, đầu óc sáng tạo, tuy nhiên, không có nguồn vốn thì rất khó để đổi mới, nhất là nguồn vốn để cải tiến khoa học công nghệ”, ông Trường nói.
Nhìn chung, thiếu vốn vẫn là trở ngại muôn thuở của DN nước ta. Theo ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, các nguồn quỹ về đổi mới sáng tạo của quốc gia và các nguồn quỹ ODA của nước ngoài thời gian qua nhằm hỗ trợ cho DN, đặc biệt là các DN trẻ mặc dù đã được triển khai, nhưng số DN nhận được những hỗ trợ này vẫn chưa nhiều.
Do đó, ông Trường và rất nhiều DN trẻ khác đều mong muốn, các cơ quan chức năng cần phải đi khảo sát thực tế để hỗ trợ kịp thời cho những DN trẻ có đề án, phương án kinh doanh tốt, có tính sáng tạo. Nhà nước nên có một nguồn quỹ nhằm giúp các DN khởi nghiệp, kinh doanh tốt hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tích cực tháo gỡ những vướng mắc của DN trong việc đầu tư, kinh doanh, sản xuất.