Ngày 15/5, HSBC đã công bố báo cáo kinh tế vĩ mô về triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 5/2017 với chủ đề “Trông đợi vào những con số”.
Ngay đầu báo cáo, HSBC đã nhấn mạnh tất cả các con số vĩ mô của Việt Nam “đều rất tốt”, với các số liệu hoạt động "rất triển vọng" theo đúng lộ trình và "tiếp tục thể hiện rất tốt so với các các nước khác".
Điều đó được khẳng định khi Cơ quan xếp hạng Moody's vừa thay đổi điểm xếp hạng của Việt Nam từ “ổn định” sang “tích cực” - một sự tiến triển đáng hoan nghênh nhờ vào những con số thường được theo dõi tăng cao.
Trong đó, kết quả khảo sát chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) mới nhất cho thấy nhu cầu ở nước ngoài trong tháng 4 đạt mức cao nhất trong lịch sử, và các nhà sản xuất vẫn có lòng tin mạnh mẽ rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, nhờ vào kỳ vọng đơn hàng mới nhiều hơn và kế hoạch mở rộng kinh doanh.
Đơn hàng được cải thiện dẫn đến công ăn việc làm cao hơn - tỷ lệ tạo việc làm có giảm nhẹ so với tháng trước nhưng dù sao vẫn ở mức tăng mạnh. Trong khi đó, lượng công việc tồn đọng chưa được thực hiện đã giảm nhẹ do hoạt động sản xuất tăng và lượng hàng tồn kho giảm nhẹ.
Nhu cầu đầu vào cao hơn đã khiến các nhà cung cấp tăng giá trong tháng 4, và làm chi phí đầu vào một lần nữa tăng thêm. Nhưng lạm phát chi phí đầu vào đã hạ nhiệt xuống mức thấp nhất trong bảy tháng, trong khi chi phí đầu ra (tăng giá đầu ra) tăng chậm nhất trong sáu tháng qua.
Nhìn chung theo HSBC, các doanh nghiệp đều tự tin rằng họ có thể đảm bảo thực hiện đơn hàng mới tăng trong thời gian sắp tới như được phản ánh trong chỉ số sản lượng trong tương lai. Chỉ số này mặc dù vẫn ở mức cao nhưng đã giảm nhẹ từ tháng 3.
Cùng với việc đơn hàng nước ngoài tiếp tục gia tăng, xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng 16% trong tháng 4 so với năm ngoái, trong khi kết quả của tháng trước vừa được báo cáo lại là tăng 14,3% (trước đây chỉ số này được báo cáo ở mức tăng 8%). Xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh 21,5% so với mức 13,1% của tháng trước đó, trong khi khu vực trong nước tăng 3,7%, giảm so với mức 17,2% hồi tháng 3.
Đặc biệt theo HSBC, Việt Nam đã trở thành một quốc gia quan trọng trong chuỗi cung ứng trong khu vực đối với các mặt hàng điện tử, nhất là điện thoại di động vốn là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ tùng thay thế đã hồi phục với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc là 17,5% của tháng 4/2017, sau khi đã giảm 13,3% trong tháng trước.
HSBC cho rằng, việc giới thiệu sản phẩm mới và nhu cầu toàn cầu đang dần phục hồi - được phản ánh trong sự gia tăng bền vững của các đơn đặt hàng nước ngoài trong khảo sát chỉ số PMI, sẽ làm cho xuất khẩu tăng mạnh trong các quý tiếp theo.
Một chỉ số nữa cũng rất tốt, theo HSBC, so với mức lạm phát 4,6% trong tháng trước, chỉ số lạm phát của tháng 4 (so với cùng kỳ năm trước) đã hạ nhiệt một chút, chỉ còn ở mức 4,3%. Hơn một nửa mức tăng đó (2,9 điểm phần trăm) là do chi phí chăm sóc sức khoẻ tăng lên theo lộ trình tăng chi phí y tế và giáo dục của Chính phủ.
Tính theo mức bình quân, giá dầu Brent đã tăng 1,4% trong tháng 4 so với tháng trước đó. Tuy nhiên, yếu tố vận tải đã giảm xuống mức 11,1% so với năm ngoái so với mức 14,6% của tháng 3. Trong khi đó, lạm phát cơ bản đã giảm xuống còn 1,5% (so với mức 1,6% trước đây). “Nói chung, lạm phát giá cả thực phẩm đang hạ nhiệt tiếp tục duy trì mức lạm phát nói chung ở mức kiểm soát”, HSBC nhận định.
Cũng theo HSBC, kinh tế vĩ mô ổn định tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động và phát triển. Chính vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam ổn định.
Việt Nam đã nhận được khoảng 4,8 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến nay, tăng 3,2% so với năm trước. Không chỉ hỗ trợ việc xây dựng trữ lượng đệm giá ngoại hối, đầu tư nước ngoài cũng có khả năng tăng cường hoạt động kinh tế bằng cách đa dạng hóa nền kinh tế theo hướng gia tăng sản xuất mặt hàng bổ sung giá trị./.
Hoàng Lâm