(CMO) Phải có từ 30% hộ dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung (tiêu chí số 17.1) là quy định khó trong bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Tiêu chí này đang gây không ít lúng túng cho nhiều địa phương trong quá trình xây dựng xã NTM.Rõ ràng, tiêu chí NTM càng cao thì người dân càng có lợi. Thế nhưng, có những tiêu chí muốn đạt cần phải đầu tư nguồn lực lớn thì lại trở thành rào cản. Xã Tân Hưng, huyện Cái Nước nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM từ năm 2022. Tuy nhiên, xã đã 2 lần lỡ hẹn và hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị thẩm định. Tiêu chí khó khăn nhất mà xã gặp phải thời gian qua chính là tiêu chí 17.1, tức 30% người dân sử dụng nước từ các công trình nước tập trung. Theo ông Trần Hoàng Ðạo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, qua rà soát, tiêu chí 17.1 của xã Tân Hưng chỉ đạt 12,6%. Cùng với giao thông, trường đạt chuẩn, nước sạch tập trung là một trong những tiêu chí cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua nguồn lực để đầu tư cho tiêu chí này còn nhiều hạn chế và việc xã hội hoá cũng gặp không ít khó khăn, do nông thôn dân cư thưa thớt. Theo đó, ông Ðạo kiến nghị, cần tính thêm phần máy lọc nước nhỏ của từng hộ gia đình. Bởi đây cũng là hình thức xã hội hoá trong đầu tư và phù hợp với chủ trương người dân giữ vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Nếu được tính thêm phần máy lọc tại hộ dân thì xã Tân Hưng đạt trên 35%. Từ bao đời nay, người dân tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ các giếng khoan, nước mưa. Hiện nay, nhiều gia đình đã trang bị thêm máy lọc nước để phục vụ sinh hoạt. Nguồn nước này được công nhận là nước hợp vệ sinh, nhưng chưa đủ tiêu chuẩn nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung theo quy định của bộ tiêu chí xã NTM. Việc sử dụng nước từ giếng khoan riêng lẻ sẽ ảnh hướng lớn đến chất lượng cũng như khối lượng nguồn tài nguyên nước ngầm. Theo thống kê, hiện nay tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt khoảng 95%, nhưng đa phần là sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ. Ðặc biệt, hiện gần 14 ngàn hộ dân đang trong tình trạng thiếu hoặc không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Trung tâm) là đơn vị được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ rà soát, xác nhận tiêu chí nước sạch nông thôn trong quá trình xây dựng NTM của các địa phương. Ông Lê Công Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm, cho biết, tiêu chí 17.1 là khó khăn chung của cả tỉnh, chứ không riêng của huyện hay xã nào. Hiện nay, qua rà soát, toàn tỉnh chỉ có khoảng 15% hộ dân được sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung. Ngoài ra, đối với 55 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì có khoảng 70% trong số đó rớt lại tiêu chí này, nhiều xã không có khả năng đạt lại. Thiếu kinh phí nên các công trình cấp nước tập trung đa phần đều có quy mô nhỏ, manh mún, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, hiệu quả mang lại chưa cao. Ðã có hàng chục công trình cấp nước tập trung nông thôn quy mô công suất nhỏ, dưới 50 m3/ngày - đêm, trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động. Từ đó, dẫn đến thực trạng hầu hết người dân nông thôn đã qua chủ yếu sử dụng nước giếng khoan riêng lẻ theo từng hộ gia đình. “Chất lượng và trữ lượng nước sẽ thay đổi theo thời gian, như vậy khái niệm về nước sạch bền vững khó đảm bảo”, ông Nguyên lo ngại. Trung tâm đã tham mưu Sở NN&PTNT xây dựng đề án cấp nước nông thôn giai đoạn 2021-2030 gắn liền với quá trình xây dựng NTM để làm cơ sở xin bố trí vốn. “Trong giai đoạn 2021-2025, cấp nước tập trung được đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, đảm bảo cho khoảng 14 ngàn hộ, tức chỉ tương đương 6-7% dân số nông thôn. Có nghĩa là, cần khoản kinh phí rất lớn mới có thể đạt được tiêu chí nước sạch nông thôn theo quy định trong bộ tiêu chí NTM”, ông Nguyên cho biết thêm. Theo dự thảo điều chỉnh Bộ tiêu chí NTM của Bộ NN&PTNT, máy lọc nước gia đình sẽ được đưa vào tiêu chí sử dụng nước sạch. Ảnh: CHÍ HIỂU Ðể ngày càng nhiều người dân vùng nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, không chỉ nhằm đạt tiêu chí trong xây dựng NTM, mà quan trọng hơn là bảo vệ sức khoẻ cũng như nguồn tài nguyên nước, nhiều dự án đã và đang tiếp tục được triển khai đầu tư. Tỉnh đang thực hiện thủ tục đấu thầu dự án nâng cấp, mở rộng hệ thống nước nối mạng ấp Ông Tự, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời; thực hiện các bước thủ tục thực hiện dự án công trình trữ nước và hệ thống cấp nước tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, khan hiếm, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn giai đoạn 2021-2025, hay như dự án lắp đặt thiết bị quan trắc giám sát tự động, trực tuyến tại các công trình cấp nước tập trung nông thôn đang trong giai đoạn lập thiết kế bản vẽ thi công... Ðể tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xin điều chỉnh tiêu chí này. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, trước kiến nghị của nhiều tỉnh, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình xin Chính phủ điều chỉnh rất nhiều tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM, theo hướng giao cho UBND tỉnh quyết định, quy định cụ thể tiêu chí nước sạch. Theo dự thảo, sẽ tính luôn máy lọc nước gia đình trong tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung theo tiêu chí 17.1. Không chỉ có tiêu chí nước sạch nông thôn, lộ trình về đích NTM trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là kết cấu hạ tầng, cần sự chung sức của toàn xã hội, nhất là người dân, chủ thể chính trong chương trình mục tiêu quốc gia này./.
Nguyễn Phú
|