Quy hoạch nặng tính hình thức
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), hiện nay cả nước mới có 27 tỉnh, thành phố ban hành đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Có 52/63 tỉnh, thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi theo định hướng tái cơ cấu, phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm…
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, nhiều địa phương còn tỏ ra lúng túng, chưa phân biệt được nội dung và giải pháp để thực hiện đề án. Việc quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư ở các tỉnh, thành phố còn nặng hình thức, chưa bám sát với thực tế sản xuất của địa phương mình hay nội dung đề án tái cơ cấu của Bộ NN&PTNT quy định là sản xuất phải theo vùng, tổ chức sản xuất phải gắn với giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhằm nâng cao giá bán tại trại và kiểm soát được chất lượng sản phẩm khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.
Viện trưởng Viện Chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho biết, tình hình sản xuất chăn nuôi trong cả nước đang có chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều trang trại quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao. Song việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành ở nhiều địa phương vẫn còn khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu là do ngành chăn nuôi của Việt Nam còn nhỏ lẻ, việc sản xuất con giống và liên kết sản xuất còn yếu. Việc đầu tư phát triển chăn nuôi còn thiếu đồng bộ, trong đó khu vực chăn nuôi nông hộ có mức đầu tư thấp; mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn cao, đặc biệt là tồn dư kháng sinh và chất tăng trọng nên hạn chế cho việc xuất khẩu. Trong khi đó, thủ tục hành chính của ta còn rườm rà, gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vốn của người chăn nuôi để mở rộng quy mô trang trại...
Mặc dù từ đầu năm đến nay, giá thịt gia súc, gia cầm tương đối ổn định, nhưng từ năm 2012 đến cuối năm 2014 hầu như người chăn nuôi bị thua lỗ vì giá giảm dẫn tới nhiều hộ phải chuyển đổi nghề, nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn phải chuyển sang nuôi gia công cho các công ty nước ngoài mới có lãi. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới khi FTA có hiệu lực, nếu ngành chăn nuôi trong nước không đổi mới từ sản xuất tới chế biến thì sẽ "chết" ngay trên sân nhà. Do đó, việc tái cơ cấu ngành có vai trò rất lớn để các sản phẩm chăn nuôi đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài khi nhập khẩu vào Việt Nam về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm.
Nhận thức rõ mục tiêu tái cơ cấu
Các chuyên gia cho rằng, để đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi có hiệu quả, thời gian tới các tỉnh, thành phố cần tập trung rà soát, xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi ở địa phương mình theo hướng hàng hóa, liên kết chuỗi để bảo đảm khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung cấp thực phẩm đến tay người tiêu dùng.
Để thực hiện được điều này, Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu và có cơ chế hỗ trợ để việc liên kết giữa các bên đều có lợi. Các địa phương cần rà soát lại danh mục những giống vật nuôi đã có trong nước, kể cả những giống vật nuôi bản địa. Trong quá trình triển khai tái cơ cấu, địa phương cần khuyến khích phát triển các hệ thống chăn nuôi thích hợp cho gia súc, gia cầm; tập trung chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô gia trại, trang trại hoặc duy trì hình thức chăn nuôi nông hộ nhưng ứng dụng công nghệ cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, hiện giá trị sản xuất ngành chăn nuôi có cao hơn nhưng chưa thực sự do tác động của việc tái cơ cấu tạo ra. Nguyên nhân chính là do nhận thức và cách tiếp cận còn chưa phù hợp. Thời gian tới, cần thực hiện tối đa xã hội hóa, hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân phát triển chăn nuôi. Các địa phương cần có đề án hoặc kế hoạch tổng thể riêng cho chăn nuôi. Cần lựa chọn đối tượng vật nuôi chính cụ thể, phù hợp để tập trung chỉ đạo phát triển; tập trung tăng cường quản lý quy hoạch, giống, thức ăn và môi trường chăn nuôi. Đặc biệt, cần tổ chức cập nhật và thông tin thị trường các sản phẩm chăn nuôi thông qua nắm bắt thông tin từ doanh nghiệp, xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá tái cơ cấu trình Bộ ban hành sao cho phù hợp với tình hình địa phương./.